Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp sạch
Hà Nội đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững
Bài liên quan
Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng hoa công nghệ cao
Công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc
Hà Nội: Đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp
Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng NTM diễn ra tại Nam Định
Triển khai mô hình thảo dược trong chăn nuôi
Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, nhờ tích cực mở rộng diện tích, đến nay toàn Thành phố có 23.400ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có 4.300ha diện tích nuôi tập trung, sản lượng đạt 78.482 tấn. Đàn gia cầm có 34,2 triệu con; trâu 24.100 con; bò 136.000 con; lợn hơn 1,1 triệu con.
Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, quy mô 50.000 con tại 5 huyện gồm: Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cấp 50.000 con gà Mía 1 ngày tuổi, hỗ trợ 50% thức ăn, 50% thảo dược.
Đến nay, sau 3 tháng chăn nuôi, đàn gà khỏe mạnh, lông mượt, mã đẹp, tỷ lệ sống đạt trên 95%, trọng lượng đạt 1,7 – 1,8kg/con. Ông Hà Văn Cường, ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây cho biết: “Nhờ thực hiện nghiêm túc quy trình, đàn gà 1.000 con của gia đình tôi khỏe mạnh, phát triển tốt, ít nhiễm bệnh, hầu như không phải dùng tới kháng sinh nên giảm được chi phí trong chăn nuôi. Dự kiến, sau 5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,2kg. Với giá gà thương phẩm trung bình 90.000 – 100.000 đồng/kg, cao hơn 15 – 20% so với phương pháp thông thường, gia đình tôi thu lãi khoảng 60 triệu đồng”.
Ngoài mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, hiện nay Hà Nội cũng triển khai nhiều mô hình nuôi cá “sông trong ao” ở vùng ngoại thành Hà Nội. Chia sẻ về hiệu quả của mô hình, ông Phan Nhân Lợi, ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) cho hay: "Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông gia đình tôi đã thực hiện mô hình nuôi cá chép “sông trong ao”. Với phương pháp nuôi này, cá có tỷ lệ sống cao, lớn đồng đều, tăng trưởng nhanh, cho thu nhập từ 220 - 250 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với nuôi cá trong ao thông thường.
Sử dụng chế phẩm sinh học để kiểm soát dịch bệnh
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường và đang từng bước được nhân rộng như: Nuôi ba ba thương phẩm ứng dụng phương pháp chọn lọc giới tính bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nuôi tôm càng xanh đực; cá chép theo hướng hữu cơ tại các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Oai, Mỹ Đức...
Mặc dù Hà Nội có tiềm năng để phát triển ngành nông nghiệp sạch nhưng ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính là do môi trường nuôi suy thoái dẫn tới xảy ra dịch bệnh. Thực tế cho thấy, các phương pháp nuôi truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế trong việc phòng chống các dịch bệnh mới. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng hóa chất, thuốc kháng sinh và các chất cấm trong chăn nuôi vẫn diễn ra.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, chế phẩm sinh học được sử dụng như một phương tiện kiểm soát dịch bệnh, bổ sung các chất kháng khuẩn giúp ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm trong ao nuôi và chuồng trại. Từ đó, giảm tỷ lệ xảy ra dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống, năng suất, chất lượng của sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Quan trọng hơn, sử dụng chế phẩm sinh học sẽ làm giảm sử dụng các hóa chất, kháng sinh, đảm bảo sản xuất an toàn, góp phần phát triển ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững.
Cũng theo bà Hương, đa phần người dân ít có cơ hội tập huấn bài bản về tác dụng của chế phẩm sinh học, cách thức sử dụng cho phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Do đó, Trung tâm đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình khuyến nông sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ nông dân trong việc quy hoạch vùng nuôi và xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản an toàn.
Theo tính toán, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn thành phố đạt hơn 110.000 tấn/năm. Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong định hướng đến năm 2020, Hà Nội cho phép xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 110ha tại huyện Mỹ Đức, 34ha tại huyện Ba Vì, 112ha tại huyện Ứng Hòa, 160ha tại huyện Chương Mỹ...
Đồng thời, Thành phố cũng hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị, giống cá bố mẹ cho hai cơ sở sản xuất giống cá rô phi với công suất 50 triệu con giống/năm. Cùng với đó, Thành phố khuyến khích xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; quy hoạch và xây dựng hạ tầng các chợ đầu mối thủy sản để thúc đẩy kênh phân phối, giải quyết đầu ra cho người nuôi trồng thủy sản.