Hà Nội lên phương án đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp
Hà Nội cần chủ động các phương án đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân trong vụ Xuân 2020
Bài liên quan
Nơi quảng bá, kết nối sản xuất nông nghiệp và làng nghề Hà Nội
Huy động sức dân xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất
Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương trong xây dựng nông thôn mới
Chủ động phòng chống xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đó là nhận định của đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khi nói về giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Xuân năm 2020.
Đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất
Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến thời điểm làm đất, gieo mạ trà xuân sớm nhưng hiện nay, mực nước trên các công trình thủy lợi đều rất thấp, nhiều kênh mương nội đồng cạn trơ đáy. Thực tế này đang khiến nhiều nông dân ở các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh, thị xã Sơn Tây… gặp khó khăn trong canh tác.
Lo lắng không có đủ nước để gieo cấy vụ Xuân, bà Nguyễn Thị Hạnh (Mê Linh, Hà Nội) nói: “Năm nay nắng nóng kéo dài, mưa ít nên nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã tôi đều cạn kiệt. Đối với người dân chúng tôi, vụ Xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất. Vì vậy, tôi mong muốn thành phố sớm có phương án lấy nước để cho bà con nông dân làm đất, gieo cấy đúng thời vụ.
Không riêng hệ thống thủy lợi nội đồng của thành phố đang bị cạn kiệt mà mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống… cũng ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là ba tháng gần đây, tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ đạt rất thấp…
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ xuân 2020, Tổng cục Thủy lợi đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thống nhất điều tiết nguồn nước các hồ thủy điện bổ sung cho dòng chảy sông Hồng trong 18 ngày, chia thành 3 đợt.
Tuy nhiên, tính đến nay, nguồn nước các hồ thủy điện thượng lưu sông Hồng chỉ đạt trung bình 62,2% dung tích thiết kế, thiếu hụt 12-46% so với trung bình nhiều năm.
Dự kiến trong tháng 1/2020, tổng lượng nước trữ của các hồ thủy điện chỉ đạt trung bình 58% dung tích thiết kế, tương đương 9,51 tỷ mét khối nước - thấp hơn 7,3 tỷ mét khối so với cùng kỳ năm 2018…
Trước nguy cơ thiếu hụt nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết: Dù khó khăn đến đâu các đơn vị liên quan cũng sẽ khắc phục để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho bà con nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, đơn vị đã phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi thành phố lập ra tình huống bất lợi nhất về nguồn nước để xây dựng phương án ứng phó. Cụ thể, nếu các hồ thủy điện không xả đủ 18 ngày, mực nước sông Hồng thấp hơn kế hoạch lấy nước… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích triển khai ngay phương án nối dài ống hút Trạm bơm dã chiến Phù Sa để vận hành máy bơm.
Trong trường hợp mực nước Trạm bơm dã chiến Phù Sa chỉ vận hành được dưới 30% lưu lượng thiết kế hoặc không vận hành được, Công ty tiếp tục triển khai phương án gia cố mái bờ kè vị trí trạm bơm, tiếp tục hạ thấp cao trình bệ máy hoặc lắp đặt các tổ máy bơm dã chiến cấp 2 cho trạm bơm chính vận hành tưới.
Dù khó khăn đến đâu các đơn vị liên quan cũng sẽ khắc phục để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho bà con nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội |
Đối với Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm (Mê Linh), Công ty sẽ nối dài ống hút, nạo vét, khơi thông kênh dẫn, bảo đảm trạm bơm vận hành với mực nước bể hút 1,2m. Trong trường hợp mực nước thấp hơn, Công ty tiếp tục hạ thấp cao trình đặt máy xuống 5,5m…
Ngoài giải pháp công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ đông; tập trung làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ
Không gieo cấy khi thời tiết dưới 15 độ
Để chủ động trong công tác ứng phó với những khó khăn, bất lợi do thời tiết bất thuận gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây rau màu vụ Đông 2019 đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương chỉ đạo gieo mạ trà Xuân muộn, tập trung gieo sau tiết Đại hàn 20/1/2019 đến 5/2/2020.
Theo đó, các địa phương tập trung cấy sau Tết Âm lịch, bắt đầu sau tiết Lập xuân 4/2/2020 đến 5/3/2020; gieo sạ tập trung từ 10/2/2020 - 20/2/2020. Đặc biệt lưu ý, không gieo mạ hoặc cấy vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ không khí dưới 15 độ C. Cây rau màu tập trung gieo trồng trong tháng 2, đầu tháng 3.
Về cơ cấu giống, các địa phương tập trung gieo trồng giống chất lượng, năng suất cao phù hợp với sản xuất; Chỉ đạo tốt công tác ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao đến người sản xuất. Căn cứ điều kiện của địa phương, các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác mới, cơ giới hóa nông nghiệp, diệt chuột, ốc bươu vàng... cho lúa; thuốc sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh cho phát triển rau an toàn; khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng gia tăng giá trị, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất.
Đồng thời, các địa phương cần lên phương án phát triển các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định, quy mô lớn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn.