Hà Nội luôn quan tâm đến thế hệ cán bộ kế cận, đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ
Thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII ra mắt Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội ủng hộ miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ |
Dự buổi họp báo có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Thị tuyến, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố chủ trì buổi họp báo |
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy cho biết: Ở nhiệm kỳ khóa XVI, tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Chấp hành là 12%, ở nhiệm kỳ này tăng lên rất cao là 21%.
Đặc biệt, trong Ban Thường vụ Thành ủy khóa mới, tỷ lệ này là 25%. Có 4 đồng chí nữ trúng Thường vụ Thành ủy trong tổng số 16 đồng chí được bầu. “Đây là một bước tiến của Đảng bộ thành phố khi tỷ lệ cán bộ nữ rất cao", đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Về tỷ lệ cán bộ trẻ, tức cán bộ sinh từ năm 1980 trở lại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong số 71 đồng chí trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII có nhiều đồng chí sinh năm 1979, 1978.
Còn tính các đồng chí sinh từ năm 1980 trở lại thì đồng chí trẻ nhất là Bí thư Thành đoàn Hà Nội sinh năm 1984, ngoài ra còn hai đồng chí là Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn sinh năm 1980 và Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức sinh năm 1981.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, tỷ lệ cán bộ trẻ trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố như vậy là chưa đạt được 10% theo quy định của Trung ương. Dù khách quan hay chủ quan thì cũng có trách nhiệm của Đảng bộ TP.
"Trong dự thảo Nghị quyết Đại hội, chúng tôi đã bổ sung một nội dung là phải quan tâm một cách có hệ thống đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ và quan tâm đến thế hệ cán bộ kế cận, đảm bảo lâu dài", đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cũng chia sẻ: Thực tế với Đảng bộ Hà Nội, để cán bộ trẻ trúng cử được có khó hơn các địa phương bởi Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với hơn 45 vạn đảng viên, trong khi chỉ được bầu 71 đồng chí vào Ban Chấp hành và được bầu 17 đồng chí vào Ban Thường vụ Thành ủy.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trả lời các câu hỏi của phóng viên |
Chia sẻ thêm kinh nghiệm để đảm bảo được tỷ lệ cán bộ nữ trúng cử, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, phải chuẩn bị trước và đưa các đồng chí "lên bệ phóng" thì mới trúng cử được. Bởi muốn trúng cử thì ít nhất các đồng chí phải trải qua nhiều quá trình công tác, có chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc Sở trở lên, còn mới đảm nhận chức danh ở cấp phòng thì rất khó.
Về vấn đề đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngay sau Đại hội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, quan điểm của Thành uỷ, muốn Nghị quyết đưa vào cuộc sống thì bản thân cuộc sống phải được phản ánh trong Nghị quyết và Nghị quyết phải không được xa rời cuộc sống. Vì vậy, Thành ủy đã có quá trình chuẩn bị Nghị quyết bài bản, tổ chức 8 hội nghị lấy ý kiến từ 8 bộ, ngành vừa để giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa xem xét định hướng lâu dài.
Trả lời về các vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng chí Vương Đình Huệ nêu, thành phố đã ban hành các chương trình hành động chi tiết, tới đây sẽ có bổ sung thêm. Để xử lý rác thải, thành phố sẽ dần chuyển từ chôn lấp sang công nghệ đốt phát sinh điện. Tuy nhiên, quy hoạch các nhà máy đốt rác đã có nhưng nếu chưa có quy hoạch về điện thì không triển khai được. Do đó, trong cuộc làm việc với Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương đã nhất trí với đề xuất của Hà Nội về phát triển nhà máy đốt rác tạo ra điện và sẽ ưu tiên phê duyệt quy hoạch cho Hà Nội cho năm nay.
Vấn đề nước sạch cũng được thành phố rất coi trọng. Hiện 100% người dân đô thị và 78% người dân nông thôn đã sử dụng nước sạch. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân được cung cấp nước sạch. Đây là vấn đề lớn về an sinh xã hội.
Phóng viên tác nghiệp tại buổi họp báo |
Trước những băn khoăn về việc Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt bình quân GRDP/người là từ 8.300-8.500 USD, thấp hơn mục tiêu của một số tỉnh, thành phố khác, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, chỉ tiêu này được xác định căn cứ trên thực tế tại Hà Nội, tính bình quân cho cả thành phố, bao gồm cả khu vực nông thôn của thành phố với số xã nhiều nhất cả nước. Sở dĩ thu nhập đầu người Hà Nội còn thấp vì nông nghiệp chỉ chiếm 2,06% trong cơ cấu kinh tế, nhưng lao động nông nghiệp còn trên 14%...
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, bình quân GRDP/người chỉ là một trong những chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng. Nếu một địa phương có đại dự án, với dân số ít thì mức GRDP/người có thể rất cao. Hà Nội thì không có đại dự án. Đối với Hà Nội, mặc dù GDRP/người hiện nay mới đạt 55 triệu đồng/năm, nhưng là thu nhập thực của người dân.
Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân; trong đó tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh tái cơ cấu lao động nông thôn, phát triển kinh tế làng nghề, phát triển các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đối với đô thị, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị...
“Quan trọng là Hà Nội phải phát triển đồng đều, người dân phải được thụ hưởng những thành quả phát triển của thành phố”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.