Thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII
Theo dự thảo Nghị quyết Đại hội do đồng chí Hoàng Minh Dũng Tiến, Bí thư Quận ủy Ba Đình, Trưởng đoàn Thư ký trình bày tại Đại hội: Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; Hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết |
Nghị quyết đã thông qua 5 định hướng lớn với 3 khâu đột phá là 14 nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, 5 định hướng lớn gồm: Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn; Đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…; Củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ.
Tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược; Sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực của OECD.
Phát triển nhanh và bền vững; Quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng…
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị; Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững; Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện; Xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế.
3 khâu đột phá gồm: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô; Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu… kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn TP...
Đồng chí Hoàng Minh Dũng Tiến, Trưởng đoàn Thư ký trình bày dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
Cùng với đó, Đại hội thống nhất thông qua 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 đã trình bày chi tiết trong Báo cáo chính trị.
Đại hội đã giao Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII căn cứ vào Nghị quyết Đại hội, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, trọng tâm là tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết Đại hội đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô;
Trên cơ sở kết quả thảo luận tại Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII hoàn thiện, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đồng thời, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội; Công tác chỉ đạo phải bám sát Nghị quyết, các chương trình, đề án; Định kỳ rà soát, sơ kết để bổ sung, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, đề án phù hợp với tình hình thực tiễn; Thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và các chương trình, đề án công tác.