Hà Nội mạnh mẽ vươn mình đón vận hội mới
“Chìa khóa vàng" giúp doanh nghiệp tăng tốc Hà Nội: Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán |
Hà Nội mạnh mẽ vươn mình đón vận hội mới. Ảnh minh họa |
Thủ đô đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của cả nước
Năm 2020, năm cuối của kỳ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Ngay từ đầu năm, đại dịch Covid-19 đã bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, khó lường, tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Các đợt dịch Covid-19 xuất hiện tại nhiều địa phương cả nước và trên địa bàn Hà Nội đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Thành phố đã thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về phòng và chống dịch Covid-19. Thường trực Thành ủy đã chủ trì làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo; Đồng thời chỉ đạo sâu sát các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng; Thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội…
Kinh tế Thủ đô phục hồi và tăng trưởng, GRDP quý IV năm 2020 tăng 5,77%, cả năm tăng 3,98% |
Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thành phố đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế Thủ đô đã phục hồi và tăng trưởng, GRDP quý IV năm 2020 tăng 5,77%, cả năm tăng 3,98%, là mức cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước; Thu ngân sách ước thực hiện 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán, tăng 3,9% so với thực hiện năm 2019…
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thành phố tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 420,06 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019. Dự kiến thu hút khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, 145 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ước trên 26,4 nghìn, nâng lũy kế tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên khoảng 303,6 nghìn doanh nghiệp...
Thành phố đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều giải pháp tổng hợp để phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện. Hà Nội tổ chức tốt việc xét nghiệm và cách ly các ca ghi nhiễm, lũy tích đến ngày 25/11 là 37,4 nghìn người và gần 100 nghìn mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Đặc biệt trong đợt dịch thứ 3, TP đã thực hiện cách ly chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội và những người từ Đà Nẵng về (73.499 người); Cách ly, theo dõi tại cộng đồng gần 73 nghìn người.
Đến ngày 25/11, lũy tích trên địa bàn thành phố có 171 ca nhiễm Covid-19 (không có người tử vong), trong đó 50 ca sau ngày 25/7 (11 ca ngoài cộng đồng, 39 ca được cách ly ngay khi nhập cảnh). Đến nay, đã qua 100 ngày trên địa bàn không ghi nhận thêm ca nhiễm ngoài cộng đồng, đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.
Từ nhiều năm nay, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống của người dân luôn là bài toán khó giải của nhiều quốc gia. Trên mọi miền đất nước và ngay giữa Thủ đô Hà Nội, vẫn còn không ít người dân giữa đêm đông lạnh buốt, phải vật lộn mưu sinh, lo ăn từng bữa…
Hà Nội đã nỗ lực lớn để giải quyết hợp lý vấn đề tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội. Trong điều kiện phát tiết kiệm chi thường xuyên nhưng thành phố vẫn đặc biệt quan tâm đảm bảo an sinh xã hội.
Trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, thành phố vẫn duy trì đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; Huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thành phố đã hoàn thành hỗ trợ 2 đợt các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 số tiền trên 600 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 tổng trị giá trị trên 243 tỷ đồng, ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt tổng trị giá trên 69 tỷ đồng. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiểm kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Tổng Công ty May 10 |
Đặc biệt, trong năm qua, thành phố đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Chào đón lễ kỷ niệm không chỉ bằng mít tinh và lễ hội, điều mà Hà Nội hướng tới là làm cho Thủ đô đẹp hơn, mỗi người đẹp hơn, đẹp hơn trong ý nghĩ, trong hành động, từ những việc thường nhật, bình dị nhất. Từ cột mốc 1010 năm, những giá trị cao quý của Thăng Long- Hà Nội đang được tỏa sáng. Thành phố rồng bay đang tích hợp trong mình một sức đột khởi mới.
Bắt tay ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ đề ra
Với khí thế phơi phới niềm tin sau thành công của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Sở, ngành cùng toàn thể Nhân dân Thủ đô lập tức bắt tay vào việc việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021.
Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn, năm 2021 dự báo, sẽ có những khó khăn kéo dài của năm 2020 và ngành Thuế Thủ đô quyết liệt thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND thành phố, Tổng cục Thuế. Trước hết là kiểm soát dịch bệnh; Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tốt, có dòng tiền thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Cơ quan thuế cùng các quận, huyện, thị xã bám sát nguồn thu, trong đó phối hợp hỗ trợ những doanh nghiệp khó khăn; Tháo gỡ vướng mắc về mặt chính sách cho những doanh nghiệp có xu hướng phát triển. Thời gian qua có nhiều loại hình kinh doanh phát triển mạnh, nhất là thương mại điện tử. Qua đó cũng cho thấy, thành phố có chính sách cần bổ sung để bảo đảm công tác quản lý cũng như hỗ trợ phát triển và để người nộp thuế hiểu về nghĩa vụ của mình với Nhà nước.
“Chúng tôi cũng tiếp tục thực hiện các chức năng quản lý thuế, triển khai đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn cơ sở thuế, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng điều kiện hoạt động của mình để có dòng tiền tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước”, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết.
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh khẳng định, năm 2020 là một năm rất vất vả, không chỉ đối với quận Cầu Giấy mà đối với toàn TP Hà Nội và cả nước nói chung. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, các đơn vị sở ngành, quận Cầu Giấy cùng các quận, huyện khác cố gắng hết sức để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2020. Trong đó, quận Cầu Giấy đã hoàn thành được 100% chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước.
Trong năm 2021, quận Cầu Giấy chuẩn bị tất cả các dự án đầu tư ngay từ đầu năm cũng như tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp...
Còn rất nhiều, rất nhiều những cách làm hay của các Sở, ban, ngành, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thủ đô trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021… Với tinh thần đoàn kết, khí thế phấn đấu ấy của cán bộ và Nhân dân Thủ đô, người ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một Hà Nội trong thế rồng bay đang mạnh mẽ vươn mình đón vận hội mới.