Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến
Cán bộ ngành Y tế Hà Nội hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến |
Ngày 13/1/2020, UBND TP đã ban hành văn bản số 163/UBND-THCB về việc thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đó, TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến bảo đảm chất lượng, thuận tiện cho người dân, DN qua môi trường điện tử; Tăng cường biện pháp hỗ trợ, giải pháp thu hút, khích lệ người dân tham gia DVCTT, tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên 20% trong năm 2020...
TP cũng yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải rà soát, đánh giá chất lượng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến các dịch vụ công gồm: Thông báo hoạt động khuyến mại, các dịch vụ; đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp… tránh để tình trạng chậm tiếp nhận giải quyết trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong năm 2019, công tác cải cách hành chính tại Hà Nội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, 100% các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý, giải quyết văn bản và các công việc chuyên môn. TP đã đưa vào vận hành chính thức hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; tiếp tục duy trì cổng DVCTT và triển khai mở rộng các dịch vụ trực tuyến dùng chung mức độ 3, 4, tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Tính đến 31/12/2019, 100% TTHC ngành Nội vụ đã được xây dựng quy trình giải quyết nội bộ và thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.
Từ những kết quả đó, trong năm 2020, TP tiếp tục đơn giản tối đa các thủ tục liên quan, xây dựng triển khai hiệu quả quy trình giải quyết công việc theo tinh thần 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả công việc) và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Đồng thời đặt mục tiêu, 100% TTHC thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4; 60% TTHC có quy định cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức 4 trong đó có ít nhất 30% số hồ sơ được xử lý trực tuyến. Đồng thời, có 100% hồ sơ giải quyết TTHC được cập nhật, theo dõi tình hình thực hiện qua hệ thống thông tin "một cửa" điện tử TP. 50% số thủ tục có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính… TP cũng tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu mở rộng, tăng số lượng DVCTT mức độ 3, 4… để phục vụ người dân và DN tốt hơn.
Điển hình tại một số sở, ngành Hà Nội đã có sự triển khai dịch vụ công một cách tích cực. Đến nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) đã hoàn thành phần mềm thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 89/93 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải Hà Nội (đạt tỷ lệ 95,7%), đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, bố trí nhân sự đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đối với những thủ tục hành chính đã được cung cấp phần mềm nộp hồ sơ trực tuyến (theo danh mục gửi kèm), Sở GTVT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính thực hiện việc khai báo, nộp hồ sơ trực tuyến.
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2649/TB-SYT về việc bổ sung vận hành chính thức một số thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến cấp độ 3. Theo đó, kể từ ngày 5/6/2020, Sở Y tế Hà Nội bổ sung vận hành chính thức 2 thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3: Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm và Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Ngành Y tế tiếp tục xây dựng phần mềm mới và nâng cấp hạ tầng, tiếp tục rà soát, bổ sung dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt trên 60% thủ tục hành chính theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Với mục tiêu tăng số đầu việc dịch vụ công mức 3, 4 tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân không phải đến cơ quan làm thủ tục, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến hết năm 2020, 100% TTHC của Sở sẽ được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3,4.
Sở Xây dựng đã triển khai tích cực việc rà soát các thủ tục hành chính, các văn bản pháp quy, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian; công khai minh bạch. Theo đó, ngành xây dựng tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành; Khai thác sử dụng có hiệu quản Hệ thống quản lý văn bản, Cổng thông tin điện tử của Sở, Hệ thống dịch vụ công trực tuyện; Hệ thống “Một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành; Tăng số đầu việc dịch vụ công mức 3, 4 tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân không phải đến cơ quan làm thủ tục.
Xây dựng Cổng DVCQG là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Cổng DVCQG hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Thực tế chứng minh, dịch vụ công trực tuyến đã góp phần tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại, đặc biệt trong giai đoạn tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |