Hà Nội từng bước gỡ "nút thắt” trong cải tạo chung cư cũ
Chung cư cũ "oằn mình cõng chuồng cọp''
Có “tuổi thọ” 50-60 năm, thậm chí lâu hơn thế, nhiều căn hộ trong những khu tập thể “già nua” không đủ sức chứa các thế hệ sinh ra, lớn lên ngày một đông; Đồng thời, căn nhà phải “gánh” thêm nhiều công năng mà trước đây nguyên bản không có... Cứ thế, theo sự phát triển của xã hội, các căn hộ được cơi nới, mở rộng bằng mọi cách và “chuồng cọp” sinh ra để tăng thêm diện tích sử dụng, làm nơi nấu nướng, phơi quần áo, kho để đồ, trồng cây...
Là một trong những nút giao thông quan trọng của Thủ đô, ngã tư Vọng đang ngày càng hiện đại bởi hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ với trục đường lớn và đường trên cao... Trong khung cảnh này, khu tập thể H2 như bị đặt nhầm chỗ bởi kiến trúc không ăn nhập với không gian nơi đây.
Tương tự, những khu tập thể như: Bách Khoa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng); Trung Tự (quận Đống Đa)... trước kia là niềm tự hào với những gia đình được sở hữu một căn hộ tại đây. Tuy nhiên hiện nay, các dãy nhà đều trở nên lộn xộn, không an toàn bởi phải "đeo" thêm những "ba lô" được gia cố bằng những "sáng kiến" không giống nhau... Đáng nói, sự nguy hiểm từ những “chuồng cọp” này đang ngày càng tỷ lệ thuận với sự xuống cấp của các khối nhà.
Các căn hộ được cơi nới, mở rộng bằng mọi cách và “chuồng cọp” sinh ra để tăng thêm diện tích sử dụng |
Ghi nhận của phóng viên tại khu nhà tập thể Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) cho thấy, sau gần 50 năm xây dựng, khu nhà tập thể đang xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, khu nhà tập thể Nghĩa Đô có 5 tầng với hai dãy A và B nằm trên đường Phùng Chí Kiên (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) được đưa vào sử dụng từ năm 1976. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, đến nay hai dãy nhà đã xập xệ, hỏng nặng.
Do diện tích chật hẹp, nhiều hộ gia đình tại đây đã phải cơi nới mở rộng diện tích sinh hoạt bằng cách dựng lên hàng loạt “chuồng cọp” để làm bếp nấu, chỗ phơi quần áo, nhà tắm... khiến khu nhà tập thể càng thêm méo mó.
Ông Trần Văn Thế (sinh sống trong khu nhà tập thể Nghĩa Đô) cho biết, tại đây có khoảng 170 hộ dân, đa số người dân đều mong thành phố sớm có biện pháp xây dựng, cải tạo lại các khu tập thể cũ để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Tương tự, nhiều hộ dân sinh sống tại khu nhà tập thể A7 Tân Mai (phố Nguyễn Chính, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang rất lo lắng khi hàng ngày phải sống trong khu nhà xuống cấp, những vết đứt gãy, tróc lở lớn xuất hiện khắp nơi.
Anh Ngọc (sinh sống tại tầng 3, khu nhà tập thể A7 Tân Mai) chia sẻ, khu nhà tập thể có quy mô 5 tầng gồm 50 căn hộ. Theo anh Ngọc, vì khu nhà xuống cấp chưa được cải tạo nên mấy năm nay, một số hộ dân có điều kiện kinh tế đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống để đảm bảo an toàn...
“Sau 39 năm đưa vào sử dụng, khu nhà tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình là toàn bộ căn nhà tại đây đã có dấu hiệu nghiêng lún, phía cầu thang lên xuống có dấu hiệu tách rời...”, anh Ngọc phản ánh.
Do diện tích chật hẹp, nhiều hộ gia đình tại đây đã phải cơi nới mở rộng diện tích sinh hoạt bằng cách dựng lên hàng loạt “chuồng cọp” để làm bếp nấu, chỗ phơi quần áo, nhà tắm... |
Cần nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn
Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định việc xây dựng, cải tạo nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Trình tự, thủ tục di dời cư dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, thống nhất phương án bồi thường, tái định cư sau khi lựa chọn được chủ đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Thực tế hiện nay, các nhà chung cư cũ đều là nhà thấp tầng nên các nhà đầu tư có thể nâng cao tầng, từ đó, có điều kiện thỏa thuận, đền bù cho người sở hữu chung cư. Tuy nhiên trong tương lai, nhà chung cư cũ đều là nhà cao tầng và không thể nâng cao tầng sau khi tháo dỡ, cải tạo thì không có nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền ra mà người dân phải tự chi trả.
Mới đây, Ban Chỉ đạo Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố - Trưởng ban Chỉ đạo về tình hình triển khai đề án và các kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Theo thông báo kết luận, việc triển khai đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra, đặc biệt là công tác kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ; Nghiên cứu, lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng quan mặt bằng (nay là quy hoạch chi tiết theo thủ tục rút gọn)...
Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát các khu tập thể cũ để chủ động có giải pháp nhằm ngăn ngừa những sự cố có thể xảy ra |
Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ cần tiếp tục quán triệt sự cấp thiết, khẩn trương, chủ động áp dụng mọi biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023, Trưởng ban Chỉ đạo giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, tham mưu, dự thảo, báo cáo UBND thành phố quy định về hệ số K (hệ số khung) bồi thường khi cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố làm căn cứ để các quận, huyện, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất với các hộ dân; Tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, phù hợp thực tế triển khai trên địa bàn thành phố, hoàn thành trong tháng 9/2023.
Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo phân công một số thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc việc triển khai tại các quận, huyện...
Trưởng ban Chỉ đạo cũng giao UBND các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ khẩn trương hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D; Lập danh sách và triển khai đối với một số nhà chung cư cũ có điều kiện thuận lợi, có khả năng hoàn thành sớm và các nhà chung cư cũ đã được Bí thư Thành ủy trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện...
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như mỹ quan đô thị, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát các khu tập thể cũ để chủ động có giải pháp nhằm ngăn ngừa những sự cố có thể xảy ra. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, không chắp vá, cơi nới "chuồng cọp" để tránh những tai họa đáng tiếc có thể xảy ra.