Hai chàng trai 9X trồng 230 ha cây trái sạch theo tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới
Giống mít Thái Lan tại trang trại của Tuấn |
Khăn gói từ Vĩnh Phúc vào Kon Tum lập nghiệp, chàng trai Phạm Quang Huy (28 tuổi) và Phạm Anh Tuấn (25 tuổi) đã mạnh dạn thành lập trang trại trồng mít xen canh sầu riêng với quy mô 230 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Vào những ngày đầu hè, chúng tôi tìm về trang trại trái cây của hai chàng trai 9X ở xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà (Kon Tum). Phải đi hết mấy quả đồi, chúng tôi mới đến được trang trại 230 ha trồng mít Thái xen canh sầu riêng và 50 ha cây dổi.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Tuấn cho biết: “Trong bối cảnh con người ngày càng chú trọng đến vấn đề sức khỏe, chúng tôi đã lựa chọn kinh doanh cây ăn trái sạch (GlobalGAP). Cụ thể, tiêu chuẩn GlobalGAP là an toàn thực phẩm và được truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Những nông sản đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP nghĩa là được cấp chứng nhận phải trải qua một hệ thống kiểm soát vận hành nghiêm ngặt, tối ưu và tốn thêm một khoản chi phí đáng kể. Tuy nhiên, những sản phẩm được chứng nhận sẽ không lo về đầu ra và dễ dàng tiêu thụ, lưu hành ở mọi thị trường trên thế giới. Ngoài ra, nguồn nông sản sạch này mang lại lợi nhuận cao hơn sản phẩm thông thường”.
Chàng trai 9 X Phạm Anh Tuấn |
Được biết, cuối năm 2018, Tuấn cùng Huy quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát. Sau đó, hai chàng trai 9X đã mạnh dạn chặt bỏ vườn cao su 5 năm tuổi để đầu tư vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới – GlobalGAP.
Để phục vụ canh tác, sản xuất hai chàng trai 9X đã tuyển dụng hơn 10 kỹ sư nông nghiệp và 100 lao động tại địa phương để đưa đi học tập kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn ở các đơn vị có mô hình trồng cây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trong nước.
Trang trại cây ăn trái khổng lồ của hai chàng trai trẻ dự kiến vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng với 4 năm thực hiện. |
Ngoài ra, các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài thường xuyên tư vấn và hướng dẫn cho đội ngũ nhân sự của Tuấn. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, trang trại của hai chàng trai trẻ đã được phủ xanh 100.000 gốc mít xen canh sầu riêng, hơn 50 ha cây gỗ dổi trên các đỉnh đồi và các vùng giáp ranh.
“Có lần, tôi và Huy mua 200 tấn phân bò về ủ vì nghĩ đây không phải phân bón hóa học rất tốt cho cây trồng. Thế nhưng, khi kiểm tra các chuyên gia GlobalGAP đã yêu cầu phải bỏ số phân này vì không đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn. Nói chung làm theo tiêu chuẩn này rất khắt khe và yêu cầu sản phẩm phải sạch tuyệt đối. Nếu các chuyên gia đi kiểm tra thấy một con sâu, hay nguồn nước tưới không đảm bảo họ sẽ lấy lại chứng chỉ đạt chuẩn, đồng nghĩa với việc không thể xuất bán sản phẩm được”, anh Tuấn chia sẻ.
Hiện trang trại của hai chàng trai trẻ đã được phủ xanh 100.000 gốc mít xen canh sầu riêng |
Cũng theo Tuấn, vụ mùa đầu tiên (khoảng đầu tháng 7) ước tính sẽ có khoảng 5.000 trái mít siêu sạch đến tay người tiêu dùng. Đợt hàng này, Tuấn và Huy dự tính hợp tác cùng các siêu thị để giới thiệu sản phẩm. Những đợt thu sau, họ sẽ hướng đến các thị trường ở Châu Âu. Dự tính khi cả sầu riêng và mít bắt đầu cho thu hoạch, mỗi ha sẽ có thu nhập khoảng trên 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Psi cho biết, Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát đã bắt đầu trồng mít từ hơn 1 năm nay. Hiện tại, công ty này cũng đang giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động phổ thông tại địa phương với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra từ khi công ty này hoạt động đã giúp địa phương hạn chế được tình trạng cháy rừng.
Tuấn và Huy đã chặt bỏ vườn cao su 5 năm, mạo hiểm đầu tư theo tiêu chuẩn trái cây sạch |
Khi được hỏi về dự định sắp tới, anh Tuấn chia sẻ: “Hiện nguồn nông sản sạch bảo đảm an toàn vệ sinh đang được nhiều nước trên thế giới chọn lựa. Vì vậy chúng tôi sẽ đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng khu chế biến trái cây xuất khẩu và quảng bá ra nước ngoài. Dự kiến vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng với 4 năm thực hiện”.