Hải Phòng: Xử lý hàng chục trường hợp vi phạm về đê điều
Một sông trình vi phạm tại xã Hồng Thái (huyện An Dương) |
Tháng 6/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng ban hành Kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý và bảo vệ đê điều trên địa bàn huyện An Dương giai đoạn năm 2020, 2021.
Theo báo cáo của UBND huyện An Dương, Hạt quản lý đê điều An Dương, trong năm 2020 và 2021, trên địa bàn huyện phát sinh 35 vụ vi phạm do 29 tổ chức, cá nhân thực hiện. Thời kỳ thanh tra, Đoàn thanh tra còn phát hiện trên địa bàn huyện có 46 hành vi vi phạm hiện đang tồn tại của 25 tổ chức, cá nhân.
Qua đó, các hành vi vi phạm chủ yếu như: Sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đê và bãi sông không đúng mục đích; Sử dụng đất chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định; Các hoạt động kinh doanh vật liệu, xây dựng công trình vi phạm tái diễn nhiều lần trong thời gian dài, nhiều công trình quy mô lớn…
Theo Kết luận thanh tra, UBND huyện An Dương đã có nhiều tồn tại, hạn chế trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý và kiến nghị xử lý. Cụ thể: UBND huyện chưa cương quyết chỉ đạo kịp thời việc kiểm tra, xác minh để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định. Sau khi tiếp nhận kiến nghị xử lý vi phạm từ Hạt quản lý đê điều An Dương, cơ quan chuyên môn của huyện thiếu kiểm tra, xác minh chi tiết dẫn đến tham mưu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đúng mức phạt, chưa đúng thẩm quyền. UBND huyện cũng chưa cương quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế, đồng thời, việc tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý bảo vệ đê điều trên địa bàn huyện chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên.
Lực lượng chức năng tháo dỡ công trình vi phạm |
Đối với UBND một số xã thuộc huyện An Dương như: Hồng Thái, Đồng Thái… chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Qua đó, UBND các xã để tồn tại 3 vụ vi phạm chưa bị xử lý, 3 vụ chưa khắc phục hậu quả và 1 vi phạm xử phạt sai thẩm quyền. Đối với 46 hành vi vi phạm do Đoàn thanh tra phát hiện, UBND các xã chưa chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý theo quy định. Thậm chí, nhiều đối tượng vi phạm có hệ thống trong nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp hiệu quả để xử lý, giải tỏa dứt điểm.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều tồn tại của Hạt quản lý đê điều An Dương như: Xác định hành vi vi phạm, kiến nghị xử lý vi phạm sai quy định Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017; Không xác định điều khoản xử phạt theo quy định tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ; Nhiều vụ vi phạm kiến nghị số tiền không có cơ sở dẫn đến cơ quan tiếp nhận kiến nghị xử phạt sai quy định, sai thẩm quyền; Lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 hành vi riêng biệt, trên 2 diện tích, nhưng kiến nghị xử phạt lại gộp thành 1 hành vi trên tổng diện tích.
Bên cạnh đó, có 1 vụ vi phạm tiếp tục gia tăng hành vi nhưng Hạt quản lý đê điều An Dương không kiểm tra, ngăn chặn, kiến nghị xử lý; 2 trường hợp không kịp thời kiểm tra, lập biên bản để ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định. Đối với 46 hành vi vi phạm đang tồn tại, Hạt đã ban hành các thông báo nhắc nhở và yêu cầu đối tượng vi phạm cam kết không tập kết khối lượng lớn gây ảnh hưởng đến thoát lũ. Tuy nhiên, sau đó, hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn nhưng Hạt không lập hồ sơ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định là vi phạm Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Công trình vi phạm nằm ngay sát mép sông |
Đối với Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, chưa kịp thời việc kiểm tra, xác minh sự việc liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều ngành để kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 vụ vi phạm, dẫn đến một số kiến nghị của Hạt quản lý đê điều An Dương chưa được xử lý đúng quy định. Không những vậy, sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt nhưng Chi cục chưa kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định theo quy định. Ngoài ra, Chi cục cũng chưa thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm đối với công chức, viên chức của Hạt quản lý đê điều An Dương.
Trao đổi với Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Văn Toản – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương cho biết: Thực hiện Kết luận thanh tra của Sở, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm. Theo đó, tính đến ngày 1/10/2023, cơ quan chức năng đã xử lý giải toả 33/35 vụ việc vi phạm; 2 vụ vi phạm còn lại đang tiếp tục vận động người dân tự tháo dỡ, trường hợp không tự tháo dỡ sẽ tiến hành cưỡng chế.
Đối với trách nhiệm của tập thể, cá nhân, ông Toản cho biết, UBND các xã có liên quan và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tiến hành kiểm điểm các cá nhân và gửi hồ sơ lên Phòng Nội vụ huyện để tham mưu cho UBND huyện. Dự kiến, trong tháng 11/2023, UBND huyện sẽ tổ chức kiểm điểm.