Ham lãi suất cao, có rủi ro khi góp vốn đầu tư vào Năng Phát Land?
Ham lãi suất cao, khách hàng “vỡ mộng” khi góp vốn vào Công ty Capel |
Huy động vốn với lãi suất cao
Thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp có chương trình huy động vốn bằng các "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" nhằm kêu gọi tiền của nhà đầu tư nộp vào công ty để được hưởng lãi suất cao.
Đáng nói, mặc dù lãi suất cao song mức độ rủi ro lại cũng càng cao, khi dòng tiền mà nhà đầu tư góp vốn cụ thể sẽ được dùng như thế nào thì họ cũng không được biết chính xác, mà chỉ được nghe nói là để đầu tư bất động sản, buôn bán đất nền...
Thậm chí, có những doanh nghiệp mới thành lập cũng đi gọi vốn theo hình thức này, đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng Phát Land (địa chỉ tại tầng 6, tòa nhà Icon4, 243A Đê La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội), nơi giao dịch chính là tầng 8 - 10, tòa nhà 80 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hình ảnh hợp đồng và phiếu thu tiền được nhân viên Năng Phát Land gửi cho khách hàng |
Thời gian qua, các nhân viên của Năng Phát Land thường xuyên lên Facebook, Zalo kêu gọi người tham gia đầu tư tài chính vào công ty với nhiều gói để lựa chọn từ 10 triệu đồng đến 50 tỷ đồng để được nhận phân chia lợi nhuận với lãi suất rất cao.
Nhân viên của công ty này thường tư vấn khách hàng nếu tham gia đầu tư sẽ được phân chia lợi nhuận theo ngày, thậm chí nếu nhà đầu tư vừa góp vốn vừa vào làm công ty và đạt được doanh số lớn sẽ được bổ nhiệm làm trưởng phòng, giám đốc...
Trong vai một khách hàng, phóng viên được một chị tên T.L mời chào đầu tư với chương trình 2 năm, bằng "Hợp đồng hợp tác kinh doanh".
Cụ thể, theo “chương trình hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận” của công ty này, nếu tham gia, các nhà đầu tư sẽ được hưởng mức lãi suất không tưởng lên đến 0,5%/ngày, 10%/tháng, 120%/năm, 240%/chu kỳ (2 năm).
Khi được hỏi hình thức đầu tư thì nhân viên chỉ mập mờ cho biết, đó là đầu tư lĩnh vực như sản phẩm đất nền, sản phẩm căn hộ, phố liền kề, biệt thự nghỉ dưỡng, gian hàng thương mại…
Theo tài liệu mà nhân viên Năng Phát Land gửi cho phóng viên, nguồn tiền mà nhà đầu tư gửi sẽ được phân bổ sử dụng vào 5 lĩnh vực. Trong đó, 20% góp vào quản trị bộ máy doanh nghiệp (chi phí nhân sự, cơ sở vật chất); 25% để đầu tư sản phẩm dịch vụ (bất động sản, đất nền phân lô, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng); 40% để marketing bán hàng (truyền thông thương hiệu, bán hàng); 10% góp vào quỹ dự phòng rủi ro và 5% góp vào quỹ dự phòng phát sinh.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh được ông Đỗ Doãn Năng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Năng Phát Land ký trước |
Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã trực tiếp đến văn phòng của Năng Phát Land tại địa chỉ tầng 8 - 10, tòa nhà 80 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, với vai là khách hàng, phóng viên được tiếp xúc với bà N.T.T.
Bà T giới thiệu với phóng viên về các gói hợp tác của Năng Phát Land và cũng có ý định mời chào phóng viên gia nhập vào hệ thống của công ty, nếu phát triển thì có thể trở thành trưởng phòng, giám đốc của công ty.
Để lấy lòng khách hàng, bà T vẽ ra một tương lai quá tươi sáng cho nhà đầu tư nếu tham gia vào hệ thống Năng Phát Land. Cụ thể như thu nhập có thể lên tới hàng trăm triệu đồng trên tháng, nếu kêu gọi người khác đầu tư vào thì sẽ được thưởng phần trăm, nhiều doanh nghiệp khác cũng dùng phương thức tương tự và không khác gì kiểu đa cấp biến tướng dưới dạng đầu tư tài chính.
Thậm chí, bà T còn "mách nước" cho phóng viên cách lách để hưởng phần trăm. Cụ thể, nếu phóng viên có 300 triệu đồng, thì chỉ nên gửi 100 triệu đồng, còn 200 triệu đồng còn lại sẽ làm hai hợp đồng khác với những cái tên khác nhau, xem như mình mời được hai người khác tham gia để được thưởng phần trăm.
Năng Phát Land chỉ mới thành lập được hơn 2 tháng
Với mong muốn làm rõ hơn, phóng viên đã liên hệ với ông Đỗ Doãn Năng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Năng Phát Land.
Ông Năng cho biết, chương trình phân chia lợi nhuận 10,0%/tháng (cả gốc và lãi) là dành riêng cho sự kiện khai trương của công ty, chỉ triển khai trong vòng một tháng tính ngày làm việc, hiện tại chương trình đã kết thúc, sau đó nếu hợp tác nhà đầu tư chỉ nhận được lợi nhuận 6%/tháng.
Văn phòng Năng Phát Land tại tòa nhà 80 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội |
Khi phóng viên đặt vấn đề về nguồn thu để trả lợi nhuận cho nhà đầu tư, ông Năng cho biết, doanh thu của công ty quay vòng liên tục khi buôn bán đất nền, việc giao dịch đất kiểu mua đi - bán lại để hưởng chênh lệch tập trung chủ yếu ở Hòa Bình, Hà Nội.
Về việc chia phần trăm cho người mời được khách hàng tham gia vào hệ thống, ông Năng khẳng định đó không phải là hình thức đa cấp. "Đấy gọi là SEO, công ty nào cũng đều có chế độ cho họ, ví dụ họ giao cho văn phòng của em là 10% thì em phân chia ở dưới như thế nào cho hợp lý. Đấy không phải là đa cấp vì đa cấp phải có cây hệ thống và bán giá cả chênh lệch", ông Năng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng Phát Land được thành lập ngày 16/2/2022, ông Đỗ Doãn Năng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Chính sách tặng thưởng cho các lãnh đạo công ty nếu đạt doanh số cao |
Ở thời điểm thành lập, Năng Phát Land có vốn điều lệ 99 tỷ đồng. Trong đó, ông Đỗ Doãn Năng (HKTT: Thôn 4, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) góp 79,2 tỷ đồng, tương đương 80% vốn; Ông Trần Quốc Cảnh (HKTT: Phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP HCM) góp 4,95 tỷ đồng, tương đương 5% vốn và bà Nguyễn Thị Hằng (HKTT: Phường 14, quận Tân Bình, TP HCM) góp 14,850 tỷ đồng, tương đương 15% vốn.
Hiện chưa rõ rủi ro như thế nào nhưng trên thực tế, thời gian qua, nhiều trường hợp đã phải "tiền mất tật mang" khi tham gia vào các chương trình hợp tác kinh doanh tương tự như Năng Phát Land và cơ quan công an cũng đã vào cuộc điều tra.
Cụ thể, nhiều khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với một số lãnh đạo doanh nghiệp huy động vốn. Sau đó, các cá nhân trên đã nộp, chuyển tiền cho công ty theo như thỏa thuận nêu trong hợp đồng.
Tuy nhiên, sau thời điểm ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp chỉ thực hiện chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong một thời gian ngắn, sau đó ngưng không tiếp tục thực hiện các nội dung cam kết trong hợp đồng.
Đến khi khách hàng nhiều lần kéo đến trụ sở công ty thì lãnh đạo các doanh nghiệp hướng dẫn họ làm biên bản thanh lý hợp đồng, thu lại các hợp đồng bản chính đã ký kết và cam kết sau thời điểm thanh lý sẽ hoàn trả lại tiền đã nộp cho khách hàng.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài, các công ty vẫn không thực hiện theo cam kết và có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm. Nhận thấy, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị hại đã có đơn trình báo đến cơ quan điều tra.
(Còn nữa)