Hành trình tìm "ánh sáng" của chàng trai khiếm thị
Runner khiếm thị chinh phục đường đua marathon 42km Học sinh khuyết tật giới thiệu sách về Hà Nội Thạc sĩ khiếm thị đi thật xa để về quê hương dạy học |
Câu chuyện của Tạ Bình An (sinh năm 2000, quê Hà Nam) sẽ được chia sẻ trong chương trình "Trạm yêu thương" với chủ đề “Chạm đến Bình An” phát sóng vào lúc 10h thứ Bảy ngày 21/9 trên kênh VTV1.
Từ nhỏ, Bình An đã sống trong bóng tối. Căn bệnh đục thủy tinh thể đã cướp đi ánh sáng của cậu. Thế giới của cậu chỉ là những âm thanh lờ mờ và những hình ảnh mờ nhạt trong ký ức. Cả hai mẹ con Bình An đều là người khiếm thị, sống nương tựa vào nhau trong căn nhà cũ nát.
Ánh sáng đối với Bình An như một giấc mơ xa vời. Tuổi thơ của cậu trôi qua trong những nỗi buồn lặng lẽ, khao khát được một lần nhìn thấy thế giới bên ngoài.
Chàng trai Tạ Bình An kể về hành trình tìm "ánh sáng" cho cuộc đời mình |
Năm 8 tuổi, một tia hy vọng le lói trong cuộc đời Bình An khi gia đình cậu nhận được sự giúp đỡ của một nhà hảo tâm. Hai mẹ con dắt díu nhau lên Hà Nội với niềm tin mãnh liệt rằng ánh sáng sẽ trở lại với đôi mắt con thế nhưng số phận dường như trêu đùa cậu bé khi ca phẫu thuật không mang lại kết quả như mong đợi. Khoảnh khắc tháo băng bịt mắt, Bình An cảm thấy như cả thế giới sụp đổ. Thế giới của Bình An vẫn chỉ là một mảng đen, tràn ngập sự thất vọng và bi quan.
Sau một khoảng thời gian, Bình An được mẹ đưa đi nhập học tại trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi trường thân thiện với trẻ khiếm thị. Cũng từ đây, cậu bé Bình An dù mới 8 tuổi đã bắt đầu sống xa nhà, phải tự lo lắng cho cuộc sống của bản thân.
Mặc dù không nhìn thấy, nhưng khát khao được học hỏi luôn thôi thúc Bình An tìm mọi cách để tiếp cận kiến thức. Bình An thường xuyên nhờ các bạn đọc to bài giảng, ghi chép lại nội dung trên bảng. Cậu chăm chú lắng nghe từng lời nói, từng con chữ, cố gắng ghi nhớ thật kỹ. Về nhà, cậu lại mở máy ghi âm, nghe đi nghe lại bài giảng để hiểu sâu hơn.
Quyết tâm ấy đã giúp An giành tấm vé vào đại học, dần rũ bỏ vỏ bọc rụt rè, chọn cách sống hòa nhập với môi trường mới, chủ động kết nối với người xung quanh. Năm 2020, Bình An trở thành sinh viên ngành Tâm lý của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dù nỗ lực đến đâu, khiếm khuyết trên cơ thể cũng trở thành rào cản lớn nhất để Bình An hoàn toàn hòa nhập với môi trường đại học.
Những đêm trằn trọc suy nghĩ về những khó khăn mà người khiếm thị phải đối mặt, Bình An ấp ủ ước mơ trở thành một nhà tâm lý học, để có thể thấu hiểu và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Nhiều năm liền cậu giữ được thành tích học tập tốt. Không chỉ là một sinh viên xuất sắc, Bình An còn là một nhà hoạt động xã hội tích cực. An trở thành phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Đá nơi các bạn trẻ khiếm thị có cơ hội giao lưu, chia sẻ và cùng nhau vượt qua khó khăn.
Bình An tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn - Hội, các tổ chức người khuyết tật như Hội người mù tỉnh Hà Nam, CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội, Mạng lưới Sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Hiểu rõ những khó khăn mà người khiếm thị phải đối mặt, Bình An luôn mơ ước về một ngày được mở một trung tâm tâm lý, nơi những người khiếm thị có thể tìm thấy sự an ủi, chia sẻ và những lời khuyên hữu ích.
Cậu mong muốn rằng trung tâm không chỉ giúp nhóm người này có được sự hỗ trợ cần thiết, mà còn có thể giúp loại bỏ các rào cản tâm lý và xã hội mà họ thường gặp phải. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào tiếp sức cho Bình An trên hành trình theo đuổi ước mơ.
Bình An đã chứng minh rằng, khuyết tật không phải là rào cản tới thành công. Với nghị lực phi thường và trái tim ấm áp, cậu đã vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi ước mơ của mình.