Hành trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Hà Nội
Xây dựng Nông thôn mới tích hợp với tiêu chí trở thành phường, thành quận
Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu xây dựng Nông thôn mới ở một tầm mức mới. Đó là xây dựng theo hướng phát triển đô thị với quan điểm xây dựng Nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững...
Với những chính sách hỗ trợ của thành phố, các địa phương và sự hưởng ứng của Nhân dân nên chương trình xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội đang phát huy hiệu quả to lớn. Qua xây dựng Nông thôn mới, đời sống Nhân dân ngày càng cải thiện, thu nhập của người dân khu vực nông thôn được nâng cao, đường làng ngõ xóm khang trang, xanh, sạch, đẹp... Hiện nay, Thủ đô Hà Nội đang là “ngôi sao sáng” trên bản đồ xây dựng Nông thôn mới của cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm, kiểm tra tại Hợp tác xã rau hữu cơ Phú Cường, huyện Sóc Sơn |
Thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho thấy, hiện Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn Nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, Đan Phượng là huyện đi đầu thành phố về xây dựng Nông thôn mới, với 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Về xây dựng xã Nông thôn mới, thành phố có 382/382 xã (đạt 100%) đạt chuẩn Nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Xây dựng Nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, không điểm kết thúc. Trong giai đoạn mới, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng như Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao về tiêu chí đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU thăm cơ sở sản xuất tại xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) |
Để đáp ứng yêu cầu đó, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới, xã Nông thôn mới nâng cao và xã Nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Quyết định 3098/QĐ-UBND, Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, 60 chỉ tiêu, nhiều hơn 11 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 (49 chỉ tiêu). Trong đó có một số chỉ tiêu mới và một số chỉ tiêu thành phố yêu cầu cao hơn, hoặc cụ thể so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đơn cử, về tiêu chí Giao thông, chỉ tiêu 2.3 và 2.4 của Hà Nội quy định cao hơn quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ tiêu chí của Thủ tướng quy định “Đường ngõ, xóm sạch” nhưng Hà Nội đặt yêu cầu “Đường ngõ, xóm được cứng hóa sạch”.
Về đường trục chính nội đồng, Bộ tiêu chí của Chính phủ quy định “Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm” nhưng thành phố Hà Nội yêu cầu thêm tiêu chí “được cứng hóa”.
Đời sống của người dân ở các vùng quê Nông thôn mới ngày càng nâng cao |
Về tiêu chí Thủy lợi và phòng chống thiên tai, chỉ tiêu 3.1, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động của thành phố quy định đạt từ 90% trở lên; Cao hơn 10% so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ quy định (80%).
Về tiêu chí Trường học, Bộ tiêu chí của Thủ tướng quy định trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS; Hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định nhưng thành phố Hà Nội yêu cầu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1...
Ngoài ra, để xây dựng Nông thôn mới theo hướng đô thị, Hà Nội cần chủ động giải quyết các vấn đề mật độ dân số sẽ tăng cao ở khu vực ven đô, hoạt động dân sinh đan xen sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường làng nghề, hạ tầng giao thông, phát triển các dự án đô thị… làm ảnh hưởng đến sinh thái, không gian kiến trúc, hoạt động kinh tế, tập quán dân cư nông thôn.
Để nông thôn Hà Nội thực sự trở thành những miền quê đáng sống
Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, Hà Nội phải gắn với tiến trình đô thị hóa. Vấn đề này buộc Hà Nội phải cùng lúc vừa giải quyết bài toán hài hòa giữa truyền thống và đương đại, giữa phát triển và gìn giữ môi trường... Đặc biệt, Nông thôn mới Hà Nội mang những đặc trưng riêng của đất văn hiến nghìn đời nhưng vẫn phải đảm bảo văn minh hiện đại.
Xây dựng Nông thôn mới giúp thay đổi diện mạo Mê Linh |
Nhấn mạnh về những thuận lợi trong quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cho biết: Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội có thuận lợi rất lớn, đó là sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các cấp, ngành, địa phương. Đặc biệt là luôn nhận được sự đồng thuận rất lớn từ người dân - đối tượng trực tiếp tham gia và thụ hưởng kết quả xây dựng Nông thôn mới.
Tiếp nối thành công của Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Chương trình này có nhiều nét mới, hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn).
Người dân Chương Mỹ chăm sóc rau màu |
Chương trình số 04-CTr/TU đề ra mục tiêu xây dựng Nông thôn mới ở tầm mức mới, với mục tiêu tổng quát là: Xây dựng nông thôn mới thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, Nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại...
Có thể khẳng định, Chương trình số 04-CTr/TU là đòn bẩy để Hà Nội triển khai hiệu quả xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở giai đoạn hiện nay và sau này. Qua đó, tạo bước chuyển mạnh mẽ cho “tam nông” phát triển nhanh, bền vững, để nông thôn Hà Nội thực sự trở thành những miền quê đáng sống.
Bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Với đặc thù là Thủ đô, tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất sản xuất nông nghiệp không lớn; Khu vực nông thôn có số lượng di sản văn hóa đa dạng cần được bảo tồn, phát huy... Do vậy, thành phố Hà Nội cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hài hòa với phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội, bảo tồn văn hóa làng nghề, văn hóa tín ngưỡng trong quá trình xây dựng Nông thôn mới.