Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao
Hà Nội hiện có 153 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng. Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của mỗi hộ dân, khu vực này đổi thay từng ngày...
Tại huyện Ba Vì - địa phương có 7 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống những năm gần đây có nhiều thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hạ tầng cơ sở ngày càng đồng bộ, khang trang, sạch đẹp. Trong đó, đặc biệt nhất là xã Ba Vì - nơi có tới 98% dân số là người đồng bào dân tộc Dao sinh sống.
Người Dao Ba Vì nổi tiếng với nghề thuốc Nam, do đó những mảnh vườn, thửa ruộng của bà con nơi đây không trồng rau, trồng lúa nhiều như các xã khác mà các gia đình ở xã Ba Vì trồng cây thuốc Nam.
Người Dao Ba Vì nổi tiếng với nghề thuốc Nam |
Chủ tịch UBND xã Lăng Văn Hà cho biết: Người dân tộc Dao ở xã Ba Vì sinh sống tập trung tại 3 thôn với khoảng 550 hộ dân, toàn xã có hơn 300 hộ gia đình phát triển nghề làm thuốc Nam. Không chỉ phát triển quy mô hộ, người dân đã tập hợp, thành lập được 9 hợp tác xã thuốc Nam để đưa nghề truyền thống phát triển bài bản hơn, mang lại nguồn thu nhập cao hơn.
Hiện nay, cả 3 thôn của xã: Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất đều đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề thuốc Nam truyền thống. Năm 2021, thu nhập bình quân của xã đã đạt 61 triệu đồng/người/năm; Hộ nghèo giảm, chỉ còn 1,8%.
Chia sẻ về những trăn trở trong việc duy trì nghề trồng, chế biến thuốc Nam, bà Triệu Thị Lan (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) cho biết: "Để tìm được những vị thuốc quý hiếm, ẩn mình trên núi cao đại ngàn, người Dao phải khổ công lặn lội trong rừng sâu, núi thẳm để tìm kiếm. Nghề thuốc muốn duy trì và phát triển, không chỉ dừng lại ở việc sử dụng dược liệu để bốc thuốc mà còn bắt đầu từ công việc tìm kiếm cây thuốc, chế biến, bắt bệnh và bốc thuốc.
Người Dao ở Ba Vì đã tập hợp, thành lập được 9 hợp tác xã thuốc Nam để đưa nghề truyền thống phát triển bài bản hơn, mang lại nguồn thu nhập cao hơn |
Đa số người Dao ở xã Ba Vì đều có những hiểu biết nhất định về nghề trồng, chế biến thuốc Nam. Hiện nay, nhiều cây thuốc quý chỉ có ở cốt 400 trở lên. Do vậy, để hỗ trợ bà con làm nghề, Nhà nước cần có những chính sách bảo tồn các cây thuốc quý, trong đó đặc biệt quan tâm đến chế độ trồng, chăm sóc có sự tham gia của cộng đồng. Làm được như vậy, vừa bảo vệ rừng, vừa tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, cần xây dựng thương hiệu và hỗ trợ quảng bá những bài thuốc tốt của đồng bào dân tộc Dao để nhiều người biết đến...”.
Nhờ các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi phát triển kinh tế, hợp tác xã thuốc Nam của người Dao Ba Vì được ra đời. Ngoài tìm kiếm các loại thuốc quý trong rừng, những năm qua, nhiều hộ dân ở đây đã xây dựng được vườn thuốc Nam tại gia đình, vừa bảo tồn các loại thuốc quý, vừa chủ động nguồn dược liệu phát triển kinh tế hộ gia đình.
Người dân xã An Phú (Mỹ Đức) có thu nhập cao hơn nhờ chuyển từ trồng lúa sang sen |
Không chỉ ở vùng quê Ba Vì, đổi thay cũng đến với An Phú - xã duy nhất của huyện Mỹ Đức có đồng bào dân tộc Mường sinh sống tập trung, chiếm 68% dân số. Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự cho biết: Do địa hình nằm trong “lòng chảo”, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang nên trước khi có cây sen, người dân An Phú chỉ trồng được mỗi năm một vụ lúa. Nghề phụ không có nên cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây người dân.
Giờ đây, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, cả xã đã chuyển đổi được khoảng 178ha từ lúa sang sen, chủ yếu ở các thôn: Đức Dương, Đồng Văn, Đồi Dùng và một số vùng nhỏ lẻ như: Nam Hưng, Thanh Hà, Đồng Chiêm, Ái Nàng. Vừa đẹp, vừa cho hiệu quả kinh tế cao nên người dân chuyển sang trồng sen ngày một nhiều. Ngoài thu hoạch hoa, lá, hạt, các hộ còn đầu tư cầu tre khắp đồng để du khách trải nghiệm, chụp ảnh, thêm nguồn thu nhập.
Cần có nhiều chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Trong những năm qua, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội đã được Trung ương và thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển kinh tế, qua đó, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh |
Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết: Đến nay, cả 14 xã dân tộc miền núi của Hà Nội đã đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong đó, nhiều công trình ở các xã dân tộc miền núi còn được xây dựng quy mô lớn hơn nhiều so với xã đồng bằng như: Giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trường học… bởi ở các xã này có quỹ đất lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh diện mạo mới từng ngày, khu vực dân tộc thiểu số của Thủ đô vẫn còn một số khó khăn. Đó là địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm; Dân cư sinh sống phân tán, dễ bị ảnh hưởng của thiên tai. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng, mặt bằng dân trí, trình độ tổ chức sản xuất, kỹ năng lao động, khả năng tiếp thu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của một bộ phận còn hạn chế... Mặt khác, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở các xã này so với các địa phương khác còn cao.
Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh đề xuất, các cấp, các ngành chức năng cần ưu tiên bố trí nguồn lực và có chính sách đặc thù để triển khai thực hiện chính sách dân tộc đã ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, thành phố sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và chi phí quản lý dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch, phát triển làng nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, thành phố cũng cần bổ sung các nguồn vốn vay như vốn vay giải quyết việc làm, vay hỗ trợ sản xuất, vay xuất khẩu lao động để mở rộng sản xuất, thu hút lao động, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong xây dựng Nông thôn mới...