Hậu Covid-19, ngành làm đẹp Việt Nam có thực sự “trỗi dậy”?
Cuối năm 2019, chủ một spa có tiếng đã “xuống tay” đầu tư số vốn không nhỏ để mở một bệnh viện thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh. Cuối tháng 3/2020, người chủ đó phải đau đầu với hiện trạng bệnh viện không thể khai trương, không thể hoạt động vì dịch Covid-19.
Đó chỉ là một câu chuyện điển hình cho việc đầu tư vào các dịch vụ làm đẹp đúng vào giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng tại các đô thị lớn. Những tiệm cắt tóc, gội đầu, spa vừa và nhỏ cũng phải đóng cửa vì cách ly xã hội. Bởi tính chất công việc bắt buộc tiếp xúc gần, khi giãn cách xã hội, những người lao động trong lĩnh vực này cũng khó thực hiện các dịch vụ tại nhà khách hàng. Họ buộc phải đóng tiệm để phòng chống dịch Covid-19.
Trước dịch Covid-19, nghề làm đẹp Việt Nam đã có sự phát triển tăng tốc (Ảnh minh họa) |
Hiện nay chưa có một thống kê cụ thể nào về lực lượng lao động trong ngành làm đẹp Việt Nam. Trước năm 2020, uớc tính, mỗi năm, hàng ngàn cơ sở spa, thẩm mỹ viện và chăm sóc sắc đẹp “mọc lên” trong cả nước, tạo ra lượng việc làm lớn với thu nhập khá cho người lao động. Người trẻ đã coi nghề phun thêu thẩm mỹ, spa, make-up… là những ngành “hot”.
Công nghệ hỗ trợ dịch vụ làm đẹp đang phát triển chóng mặt. Tính cá nhân hóa của từng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe đang mang tính dẫn dắt trên thị trường làm đẹp. Vì thế, một đòi hỏi không thể phủ nhận là nhân lực ngành làm đẹp phải được đào tạo bài bản theo những quy chuẩn rõ ràng. Do đó, phải xây dựng được mã ngành đào tạo ở cấp đại học, bên cạnh hệ thống mã ngành cao đẳng, trung cấp và sơ cấp đã có.
Hơn nữa, ngành làm đẹp càng phát triển càng có sự liên quan chặt chẽ đến kiến thức y khoa, công nghệ thẩm mỹ, văn hóa thẩm mỹ. Do đó, tổ chức như Hội Đào tạo - Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam (VNBA) thuộc Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) được thành lập, với mục tiêu chuẩn hóa nghề làm đẹp, góp phần phát triển lành mạnh và an toàn các dịch vụ thẩm mỹ.
Bà Đặng Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Đào tạo - Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam (bên phải) |
Theo bà Đặng Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch VNBA thì nhu cầu làm đẹp của người Việt tăng cao và đa dạng. Tuy nhiên, thách thức hiện hữu là công tác quản lý chất lượng cơ sở làm đẹp, trong đó có chất lượng vệ sinh an toàn dịch tễ sau mùa dịch cũng được đặt ra
VNBA cũng đã có những đánh giá khách quan về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các cơ sở làm đẹp. Do vậy, VNBA định hướng ngay sau khi hết dịch phải tạo ra được những phong trào rèn luyện kỹ năng nghề, khởi động lại nhịp độ kinh doanh các dịch vụ của nghề làm đẹp.
TS Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch Hội Đào tạo - Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam |
TS. Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch VNBA, cho biết: “Chúng ta vừa trải qua thời gian rất dài chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngành làm đẹp cũng đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, dự kiến VNBA sẽ tổ chức cuộc thi BEAUTY AWARDS 2020 để trước hết vực dậy tinh thần làm nghề của người lao động, đồng thời, thông qua cuộc thi, những doanh nghiệp của nghề làm đẹp Việt Nam cũng thể hiện được tầm nhìn dài hạn, tiếp tục vươn lên dẫn dắt thị trường đầy tiềm năng này”.
Trao đổi thêm về định hướng của VNBA trong thời gian tới, bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh - Phó Chủ tịch VNBA cũng khẳng định: Để cuộc thi VNBA - BEAUTY AWARDS 2020 thành công cần hội tụ các yếu tố sau: Thứ nhất, đó là sức mạnh của kiến thức khoa học thuộc các lĩnh vực của ngành làm đẹp mà chúng ta đang có. Thứ hai, lòng đam mê nghề nghiệp và sự cống hiến cho cộng đồng của những người tham gia. Thứ ba, phải xây dựng cuộc thi một cách khoa học, trên tinh thần công minh, công bằng và công khai.
Việc VNBA tổ chức một cuộc thi công phu và minh bạch, nhằm tìm kiếm một thế hệ làm nghề chỉn chu và sáng tạo đã khích lệ rất lớn đối với nguồn nhân lực của nghề làm đẹp. Điều đó, vừa góp phần nâng cao chất lượng tay nghề cho người lao động ở lĩnh vực làm đẹp, vừa thúc đẩy thị trường thẩm mỹ tiếp cận những xu hướng mới.