Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia góp phần đẩy mạnh thương mại điện tử
Thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 8/2021, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước đạt 65,11%; trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 27,71%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 43,4%.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.026 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hơn 242 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; Hơn 937 nghìn tài khoản đăng ký; Hơn 70 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; Hơn 1,7 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 244.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền trên 232 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các dịch vụ công đưa lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đều rất chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, đó là các dịch vụ liên quan đến: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nộp thuế cá nhân; Thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; Kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; Cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; Dịch vụ hủy tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan; Dịch vụ Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; Dịch vụ đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp...
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc triển khai các kênh thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tạo sự thuận tiện để người dân, doanh nghiệp sử dụng, đảm bảo “5K” hạn chế tiếp xúc, tránh nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng.
Chị Nguyễn Chi Mai (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, người dân thường phải tốn khá nhiều thời gian chờ đợi, di chuyển để đóng các loại thuế, phí, lệ phí. Tuy nhiên, nếu được áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến, người dân sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Hơn nữa do thời gian dịch bệnh giãn cách, việc hoàn thành các thủ tục đóng các loại thuế trực tiếp cũng khó khăn hơn, tôi thường sử dụng cổng thanh toán dịch vụ công trực tuyến rất thuận tiện, dễ sử dụng”.
Hiện nay, một số dịch vụ được người dân quan tâm như Nộp phí phạt vi phạm giao thông, Thuế cá nhân và Lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy đã được triển khai hình thức thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang nhận được nhiều sự chú ý.
Với hình thức truyền thống, để nộp phạt vi phạm này, người dân thường phải đến cơ quan công an hoặc bưu điện để nhận quyết định xử phạt, rồi đến kho bạc để nộp phạt, sau đó quay về nơi ra quyết định xử phạt trình biên lai đóng tiền để được nhận lại các loại giấy tờ. Cách thức nộp phạt và nhận lại giấy tờ vi phạm như vậy mất không ít thời gian và chi phí đi lại, chờ đợi nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hướng đến “không dùng tiền mặt” thúc đẩy thương mại điện tử
Trong bối cảnh Chính phủ chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử.
Trong xu thế chung đó, con đường đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực thế mạnh sẽ giúp Việt Nam tạo được lợi thế cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19, người dân và các doanh nghiệp đều đã có sự thay đổi nhận thức trên nhiều phương diện của chuyển đổi số.
Thanh toán “không dùng tiền mặt” trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia rất thuận tiện |
Về định hướng phát triển Cổng Dịch vụ công - thúc đẩy hình thành chính phủ số, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, Hệ thống thông tin điện tử giải quyết thủ tục hành chính đã được hình thành theo hướng đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, làm cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh “Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số chính là phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Đối với giải quyết thủ tục hành chính thì việc nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng là thước đo đánh giá kết quả của chuyển đổi số. Việc này đòi hỏi có sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, cá nhân, tổ chức để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ”.
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 tác động đến Việt Nam trong gần 2 năm vừa qua, chúng ta cũng chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực từ thói quen mua sắm, kinh doanh trực tuyến của cộng đồng người tiêu dùng, người sản xuất, nhà phân phối.
Thương mại điện tử đang từng bước trở thành một kênh phân phối hiện đại thông suốt trong những khoảng thời gian giãn cách xã hội, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm đầu ra cho sản phẩm và hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sự phát triển của thương mại điện tử cũng kéo theo nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cao; Yêu cầu đầu tư hạ tầng, dịch vụ logistics đáp ứng sự tăng trưởng ổn định của thương mại điện tử.
Như vậy, Việt Nam sẽ hoàn thành kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C đạt 35 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình là 25%/năm, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021