Tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Tái cấu trúc quy trình
Dịch vụ công trực tuyến là xu thế tất yếu của các chính phủ trong thời đại 4.0 nhằm ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, hạn chế sự di chuyển và tiếp xúc của người dân với cơ quan nhà nước. Đồng thời, Cổng dịch vụ công quốc gia giúp tiết kiệm chi phí hàng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng (khoảng 8.000 tỷ đồng vào năm 2020).
Cổng dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất dichvucong.gov.vn để công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; Bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.
Từ đầu năm 2019, cùng với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu TTHC; Nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu đầu tiên là những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước.
Người dân thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe tại nhà trên Cổng Dịch vụ công quốc gia |
Đến nay đã có 100% Bộ, ngành, địa phương; 8 tập đoàn, tổng công ty, công ty; 15 ngân hàng, trung gian thành toán kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Số giao dịch trên cổng là 116.000 với tổng số tiền 258 tỷ đồng cho các dịch vụ thanh toán: Phí, lệ phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, án phí...
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.
Lợi ích rõ ràng từ Cổng dịch vụ công quốc gia
Với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, Cổng dịch vụ công quốc gia yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT.
Ngày 15/10 vừa qua, anh Ngô Văn Bảy (trú tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) bị thất lạc bằng lái xe máy trong quá trình di chuyển từ nhà đến nơi làm việc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, anh Bảy không thể trực tiếp đến Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh để làm thủ tục cấp mới giấy tờ này. Thật may, anh đã được hướng dẫn tạo tài khoản tại Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện thủ tục đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến.
Trường hợp của anh Ngô Văn Bảy chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho sự hữu ích mà Cổng dịch vụ công quốc gia đem lại cho người dân trong vài năm qua. Nhiều chuyên gia nhận định sự ra đời của Cổng dịch vụ công quốc gia tạo thuận tiện rõ ràng đối với người dân khi giao tiếp với các cơ quan Nhà nước. Ví dụ, người dân cũng không phải nhớ nhiều tài khoản, vì bình thường vào cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương thì mỗi nơi có 1 tài khoản thì nay chỉ cần một lần đăng nhập có thể truy cập được vào Cổng dịch vụ công quốc gia để vào cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và thực hiện dịch vụ công.
Đồng thời, tại Cổng dịch vụ công quốc gia, người dân có thể tiến hành đăng ký đổi giấy phép lái xe; Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Đăng ký dịch vụ cấp điện hạ áp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Thậm chí, người dân có thể đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ… Đối với doanh nghiệp, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ như nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử...
Bên cạnh đó, Cổng dịch vụ công quốc gia còn góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cụ thể, mới đây, Bộ TN&MT đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tất cả 178 TTHC hiện nay và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153/178 TTHC (chiếm 85% số lượng TTHC của lĩnh vực TN&MT). Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành thông qua việc xây dựng chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã giảm 71 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị định, trong đó, giảm được 35 nghị định và 36 thông tư. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án cải cách 7 nội dung trong cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu...
Theo đánh giá của Liên hiệp quốc về chính phủ điện tử, Việt Nam hiện đứng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thứ hạng này được cải thiện rõ rệt so với vị trí 88 vào năm 2018. Đây kết quả của những cải cách trong xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021