Hiểm họa tiềm tàng từ nước ép trái cây giá rẻ
Chuyện nước ép mãng cầu xiêm chữa bệnh ung thư: "Thần dược" hay chỉ là tin đồn nhằm... trục lợi? |
Nước ép trái cây nở rộ
Nếu như trước đây, chỉ có vài loại hoa quả được dùng ép là cam, bưởi, táo... thì hiện nay, hầu như trái cây gì cũng dùng để ép do suy nghĩ những món đồ uống được chế biến từ hoa quả tươi sẽ ít độc hại hơn các loại thực phẩm đóng gói sẵn. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi những trái cây đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.
Nước ép trái cây đang trở thành một món nước “tủ” được không ít người ưa chuộng |
Thông thường, tại các nhà hàng, quán cà phê, một món nước ép thường có giá từ 35.000 - 60.000 đồng/ly trở lên. Nhưng hiện tại, người dân ở thành phố có thể mua các loại nước ép hoa quả nguyên chất tại khắp các chợ, con phố với giá chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/ly hoặc chai tùy loại to nhỏ. Thậm chí, tại các chợ dân sinh, mỗi chai nước em chỉ có giá 10.000 đồng. Cứ như vậy, mỗi ngày, người buôn bán có thể kiếm tiền triệu.
Đi dọc các con phố tại Hà Nội, có thể nhìn thấy dễ dàng hàng chục, hàng trăm xe đẩy bán nước ép với các loại trái cây và củ thông thường như: Cam, dứa, bưởi, cà rốt... được trưng rất “hoành tráng”. Đặt ngay bên cạnh nếu mọi người chú ý thường là một thùng xốp nhỏ chứa nhiều chai nước ép sẵn không hề có nhãn mác, hạn sử dụng.
Thử mua 1 phần nước ép cà rốt tại một xe đẩy bán nước ép trên con phố Tam Khương, người bán hàng ngay lập tức mở nắp thùng xốp lấy ra một chai nước không nhãn hiệu màu da cam. Khi được yêu cầu ép ngay tại chỗ thì người bán hàng trả lời: “Ở đây chỉ có nước ép sẵn, cam 25.000 đồng/chai, dứa, cà rốt 15.000 đồng/chai...”. Bà chủ quán cũng không giấu diếm rằng việc hoa quả tươi được bày trên xe đẩy chỉ là để trưng cho đẹp, khách vào đông, uống tại chỗ mới dùng đến, còn hầu hết khách mua mang đi đều bán nước ép sẵn.
Đi dọc các con phố tại Hà Nội, có thể nhìn thấy dễ dàng hàng chục, hàng trăm xe đẩy bán nước ép với các loại trái cây và củ |
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số chợ đầu mối rau, quả, thực phẩm, hoa quả được chia ra nhiều loại bán cho nhiều đối tượng. Trong đó có loại hoa quả dùng bán cho những người kinh doanh sinh tố, nước ép. Để tiết kiệm chi phí, họ thường chọn mua những loại hoa quả rẻ, có thể bị hư hỏng, bầm dập. Giá thành chỉ bằng 1/5 – 1/8 giá của hoa quả tươi. Các loại hoa quả này sau khi mua về sẽ được cắt bỏ những chỗ bị hỏng, dập nát trước khi cho vào tủ lạnh. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn xay luôn, bỏ sẵn trong tủ lạnh, khi nào có khách gọi đồ thì đem ra...
Một tiểu thương tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho biết, để có được các loại trái cây “chất lượng cao” nhưng giá siêu rẻ này, đôi khi họ cũng phải đặt trước với các chủ hàng nhờ họ để dành cho mình. Giá cả cũng tùy hỏng ít hay hỏng nhiều. Theo chia sẻ, tiểu thương này hay mua trái cây theo “đống”, có “đống” chỉ 10.000 - 20.000 đồng, “đống” nào “hàng loại 1” (hỏng ít) thì đến 50.000 đồng là nhiều. Nếu về nhà khéo léo cắt gọt, bỏ phần hỏng đi để bán thì mỗi ngày cũng kiếm đủ được tiền sinh hoạt.
Không chỉ quán vỉa hè dùng hoa quả hỏng, dập làm sinh tố, nước ép mà các quán cà phê “sang chảnh” cũng tận dụng triệt để loại thực phẩm không đảm bảo này. Theo Thu Phương, nhân viên tại một quán cà phê tại Hà Nội, các chủ quán cũng thường nhập một nửa hoa quả loại ngon, một nửa hoa quả “hàng loại 1” về để trộn lẫn vào nhau.
Không ai biết được rõ nguồn gốc của những loại hoa quả sản xuất nước ép này |
“Một ly nước ép cam tại quán bán với giá 30.000 đồng, còn giá cam bán ngoài chợ phải từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Ép được một ly nước cam nguyên chất hết hơn nửa kg. Nếu dùng cam xịn thì lấy đâu ra lời lãi.
Việc chế biến lẫn lộn với nhau như vậy khách hàng không thể phát hiện ra. Ví dụ như nước ép dứa, dưa hấu, bưởi, sinh tố xoài... xay ra và cho thêm hương liệu tạo mùi là thơm ngon hết. Còn táo, lê, mận... nếu dập nát thì cắt đi lấy chỗ ăn được để làm món hoa quả dầm”, Thu Phương nói.
Hiểm họa khôn lường tới sức khỏe
Dù khá hài lòng vì sự tiện lợi của các loại nước ép này, song đối với nhiều người tiêu dùng, họ vẫn băn khoăn về chất lượng cũng như vấn đề sức khỏe bởi tâm lý người tiêu dùng nếu thấy có dấu hiệu hỏng, người mua cả quả sẽ không chọn. Nhưng khi đưa vào ép thì hoàn toàn có thể tận dụng được sản phẩm mà vẫn đẹp mắt, người dùng không hề hay biết.
Những sản phẩm nước ép đẹp mắt và "tươi ngon" khiến người tiêu dùng không mảy may nghi ngại |
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Cao Thắng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết: “Quy trình ép, pha chế nước trái cây tại các xe đẩy vỉa hè, thậm chí tại các quán cà phê, nhà hàng không phải ai cũng được thấy vì lợi nhuận mà họ sử dụng trái cây để lâu ngày hư hỏng. Dù là trái cây tươi ngon, đảm bảo an toàn nhưng môi trường không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc sau khi uống. Đó là chưa kể bảo quản không đúng cách, để lâu ngày khi uống dễ mắc nhiều bệnh về tiêu hóa.
Trái cây có nhiều nước, chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa cao... tuy nhiên, nhiều loại chỉ cung cấp đầy đủ các thành phần cho cơ thể khi ăn, còn khi đã cắt, ngâm nước một thời gian mới ép thì chỉ giữ được một hàm lượng rất nhỏ các thành phần có trong trái cây. Chưa kể, máy ép trái cây nếu không được rửa sạch, xử lý kỹ là môi trường sinh ra nấm, vi sinh nguy hiểm cho đường ruột”.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thắng, các loại nước ép không rõ nguồn gốc còn có khả năng có thể gây ra ngộ độc bởi các nguyên liệu pha chế thêm. Nếu dùng lâu dài có thể gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.
Nước ép không rõ nguồn gốc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe |
“Tất cả những loại hóa chất, phẩm màu công nghiệp đều gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, các chất này có khả năng gây ngộ độc, thậm chí là ung thư cho người sử dụng. Ngoài ra, chúng còn có thể gây chứng chậm phát triển trí não, làm nghiêm trọng hơn chứng bệnh tăng hiếu động ở trẻ em hoặc biểu hiện bất thường về hành vi, một số loại có thể gây dị ứng. Nếu sử dụng thường xuyên, lâu dài sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, suy gan, suy thận, thậm chí là gây ung thư”, bác sĩ Nguyễn Cao Thắng khẳng định.
Về nhận thức, chúng ta ai cũng biết thực phẩm đường phố có nguy cơ mất an toàn cao nhưng vẫn đang được bày bán tràn lan và không kiểm soát. Câu trả lời có lẽ chính là do vấn đề cung cầu khi không ít người sử dụng thực phẩm đường phố đều mang tâm lý là “có chết ngay đâu mà sợ”. Chính vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất để bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là với những sản phẩm như nước ép trái cây chính là từ ý thức và hành động của mỗi người.