Chuyện nước ép mãng cầu xiêm chữa bệnh ung thư: "Thần dược" hay chỉ là tin đồn nhằm... trục lợi?
Thời gian gần đây, trên các trang mạng internet xuất hiện hàng loạt thông tin dẫn nguồn từ báo chí nước ngoài về loại nước ép mãng cầu xiêm (hay còn gọi là mãng cầu) có thể tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả gấp 10.000 lần so với phương pháp hóa trị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các nhà khoa học tại Việt Nam cho rằng: Đó là thông tin chưa được kiểm chứng và có khả năng do một nhóm người dựng lên để nhằm mục đích... trục lợi.
Phát kiến mới làm cả thế giới... giật mình
Thông tin về loại nước ép mãng cầu xiêm có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả gấp 10.000 phương pháp hóa trị, được công bố lần đầu tiên trên tạp chí danh tiếng của Hàn Quốc là Journal of Natural Products. Công trình nghiên cứu này cho rằng, nước ép quả mãng cầu có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư mà không hề làm hại các tế bào khỏe mạnh và không có tác dụng phụ. Ngay sau khi kết quả nghiên cứu này được công bố đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận và đã làm lóe lên hi vọng đối với các bệnh nhân đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác.
Trước thông tin này, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã đưa ra những phân tích, nhận định, đánh giá về loại quả được trồng nhiều ở vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên của nước ta. Theo đó, bản chất của cây mãng cầu là một loại cây thực phẩm. Quả, nước ép của mãng cầu xiêm cũng giống như các loại nước ép hoa quả khác là cung cấp vitamin, axit amin, muối khoáng và một số chất dinh dưỡng để bổ sung dưỡng chất và tăng lực cho cơ thể. Tuy nhiên, cái gọi là tăng lực đó đôi khi nhiều người lại lầm tưởng là sẽ chống được bệnh ung thư, với tâm lí "cơ thể khỏe mạnh thì mới chống lại được bệnh tật", do vậy nhiều người dân vẫn tin vào điều kì diệu chữa được bệnh từ trái mãng cầu.
PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam
Hiện tại ở Việt Nam chưa có bất kì công trình nghiên cứu nào công bố về khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của quả mãng cầu xiêm từ phía các nhà khoa học. Song, các đặc tính của loại trái cây này với bệnh học đã được khẳng định từ trước. Bởi lẽ, trong hạt của quả mãng cầu xiêm có hợp chất annonacin là một chất độc thần kinh. Đây được coi là nguyên nhân gây ra một số bệnh về thoái hóa thần kinh. Chính vì thế các nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu về chất độc này. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng có nhiều nghiên cứu khác nhau về loại quả này như nghiên cứu chống virus, nghiên cứu thần kinh, nghiên cứu về chống bệnh tật...
"Không loại trừ khả năng đó là sự trục lợi"
Trước thông tin về loại "thần dược" này, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, đã lên tiếng cho rằng: "Thông tin này chưa kiểm chứng được, chưa đáng tin cậy và không loại trừ khả năng là sự trục lợi của một nhóm đối tượng nào đó lợi dụng sự quan tâm của thị trường”. Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thuần, hiện nay đã có những nghiên cứu về mặt dinh dưỡng cũng khẳng định mãng cầu là một trong những trái cây có thành phần hoạt chất axit amin không thể thay thế được hoặc có một số hoạt chất đặc thù nhằm nâng cao hệ miễn dịch và tăng khả năng chống lại bệnh tật. Còn nghiên cứu về tác dụng trong điều trị ung thư thì hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu nào.
Còn đối với thông tin, nước ép mãng cầu có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả gấp 10.000 lần mà không hề làm hại gì cho các tế bào khỏe mạnh và không có tác dụng phụ. “Đó là điều vô lí. Vì không có chuyện có chất diệt tế bào ung thư mà lại không ảnh hưởng tới tế bào thường”, PGS. TS Thuần nói.
Nước ép mãng cầu xiêm chữa ung thư chỉ là... tin đồn
Liên quan đến câu chuyện tạo sự lan truyền trong dư luận, PGS. TS Thuần nhắc lại câu chuyện hơn một năm trước cũng từng rộ lên thông tin cây xáo tam phân ở khu vực Khánh Hòa có tác dụng chữa bệnh ung thư. Sau đó, viện Dược liệu cũng có nghiên cứu và công bố là "sau khi chiết xuất ra có thử trên một số dòng tế bào ung thư và có tác dụng". Công bố đó đã được người dân nhanh chóng in ra và phát tán rộng rãi với thông tin, "Viện Dược liệu đã nghiên cứu thành công cây xáo tam phân có tác dụng chống ung thư trên một số dòng ung thư", khiến cây xáo tam phân bị săn lùng đến cạn kiệt.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thuần: “Thí nghiệm đó chỉ mang tính định hướng cho các nhà khoa học là nghiên cứu để hướng tới tìm hoạt chất nào đó chữa ung thư. Bởi giữa nghiên cứu khoa học trên ống nghiệm và trên thực tế cũng như việc tìm ra được chất ứng dụng lâm sàng trên người là hoàn toàn khác nhau. Tôi sợ có những sự trục lợi trong đó”, PGS. TS Thuần cho hay.
Nói về một công trình nghiên cứu khoa học về loại quả này tại Việt Nam, PGS. TS Thuần cho biết: "Đó là điều rất khó, vì thực tế là điều kiện nghiên cứu của chúng ta chưa đầy đủ. Nghiên cứu một loại thuốc thông thường cũng phải mất khoảng 10-20 năm để ra được loại thuốc chuẩn, từ lúc nghiên cứu cho tới lúc lâm sàng trên con người để được phép đưa ra chữa bệnh. Đó là thuốc thông thường, chưa nói tới thuốc chữa ung thư vì thuốc chữa ung thư còn liên quan tới độc tính”.
Chính vì lẽ đó, PGS. TS Nguyễn Duy Thuần đưa ra lời khuyên là người tiêu dùng hay bệnh nhân phải là những người sử dụng thông minh. Không nên để bị lôi cuốn vào những sự trục lợi ấy. Vì tâm lí chung của những người mắc bệnh ung thư và thân nhân người bệnh là "có bệnh thì vái tứ phương", ai mách gì cũng nghe theo. Đôi khi lại trở thành đối tượng bị kẻ khác lợi dụng.
Chỉ là thông tin phóng đại Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, trong Đông y, việc điều trị ung thư từ trước đến nay đều chưa được công bố. Nhiều loại cây dược liệu, thực phẩm có kết quả điều trị ung thư rất cao nhưng chúng ta không được nghiên cứu mà chủ yếu trông chờ vào thuốc đặc trị ở các nước phương tây. Bởi lẽ, ở Việt Nam, việc nghiên cứu các loại cây trồng, dược liệu trong điều trị ung thư chưa được triển khải nhiều bởi thực tế trình độ cán bộ nghiên cứu của chúng ta còn thấp và công nghệ, thiết bị chưa đáp ứng đủ yêu cầu nghiên cứu. Trong khi đó, bác sĩ Đặng Thế Căn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết: “Thực tế, Bệnh viện K đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân gặp biến chứng hoặc tăng tế bào ung thư lên nhanh chóng khi họ sử dụng thuốc lá, thuốc đông y, thuốc Nam trong điều trị ung thư. Tất nhiên không ai phủ nhận công dụng của thuốc Nam, nhưng chỉ nên sử dụng trong hỗ trợ điều trị. Việc điều trị bệnh ung thư phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Hiện nay, trong điều trị bệnh ung thư, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang sử dụng phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, truyền dịch. Đối với thông tin về trái mãng cầu trong điều trị ung thư có tác dụng đánh bật tế bào ung thư gấp 10 ngàn lần hóa chất đang sử dụng hiện nay chỉ là thông tin có thể bị phóng đại giống như thông tin lá đu đủ chữa ung thư trước đó”, bác sĩ Căn cho biết. |
Nam Trang