Hiện đại hóa dịch vụ công trực tuyến, cải thiện môi trường kinh doanh
Cải thiện môi trường kinh doanh
Năm 2020, do bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và công tác tổ chức bộ máy, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, dù vẫn được nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương thực hiện, nhưng tốc độ cải cách có phần chậm lại so với các năm trước đó, một số nhiệm vụ đã bị chậm tiến độ, một số mục tiêu đã không đạt được như kế hoạch đề ra trong các Nghị quyết.
Việc thành lập Cổng Dịch vụ công quốc gia là một bước chuyển mạnh mẽ trong năm 2020, giúp kết nối và giám sát các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đây lại là “thời cơ vàng” để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với cả hệ thống các cơ quan chính quyền và trong toàn xã hội, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.
Với “tiện ích 5K” gồm: Không tiếp xúc với bất kỳ ai khi thực hiện thủ tục; Không tập trung, không cần đến cơ quan hành chính; Không tiền mặt; Không hồ sơ, chứng từ giấy, không cần nộp chứng từ cho Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả; Không giới hạn bởi khung giờ hành chính, địa điểm thực hiện, thực tế cho thấy khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến là phương thức phù hợp và hiệu quả nhất giúp các cơ quan hành chính đảm bảo duy trì, không gián đoạn hoạt động cung cấp dịch vụ công. Trong khi các doanh nghiệp có thể vừa chấp hành các quy định về hạn chế di chuyển, vừa thực hiện các thủ tục mà vẫn giảm thiểu được chi phí và nguy cơ người lao động tiếp xúc với dịch bệnh.
Hiện đại hóa dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần đẩy mạnh tính công khai, minh bạch, giảm bớt đầu mối tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan, qua đó loại trừ đáng kể các nguy cơ, rủi ro phát sinh tiêu cực, tham nhũng cho doanh nghiệp (Ảnh tư liệu) |
Anh Khổng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xuất khẩu Golden K Việt Nam cho biết hiện đại hóa dịch vụ công trực tuyến đã giúp anh truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia để có thể thực hiện các thủ tục của mình mà không cần phải đến cơ quan nhà nước.
“Hiện nay, rất nhiều các thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4, tức là người dân có thể nhận kết quả, trả kết quả tại nhà. Vì vậy mà việc triển khai, giải quyết thủ tục hành chính hiện nay vẫn diễn ra bình thường. Đặc biệt trong giai đoạn này, không tiếp xúc thì thanh toán trực tuyến cũng như thực hiện các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công không chỉ mang lại tiện ích cho người dân mà còn góp phần phòng, chống dịch bệnh. Tôi thấy hiện đại hóa dịch vụ công trực tuyến đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh rất nhiều cho những hộ kinh doanh như chúng tôi”, anh chia sẻ.
Bên cạnh việc giảm các chi phí về di chuyển đi lại, in giấy tờ, tiết kiệm chi phí cơ hội là hiệu quả thiết thực mà doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ thực hiện dịch vụ công qua Cổng Dịch vụ công quốc gia khi có thể dành nhiều thời gian và nguồn nhân lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì phải đi lo các thủ tục hành chính như trước đây. Đặc biệt là dịch vụ công cấp độ 4 trong trường hợp thực hiện các thủ tục liên quan đến cơ quan hành chính ở nhiều cấp, ngành khác nhau hoặc tại các địa phương có khoảng cách xa về địa lý.
Ngoài ra, tăng cường tính minh bạch cũng là một trong những điểm cộng lớn nhất do Cổng Dịch vụ công quốc gia mang lại. Việc thực hiện toàn bộ quy trình thủ tục trực tuyến “không tiếp xúc” góp phần hạn chế đáng kể nguy cơ phát sinh các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực hoặc các hành vi nhũng nhiễu từ cả phía cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và từ phía doanh nghiệp.
Thông tin do các doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng sẽ được tự động lưu trên hệ thống để kiểm chứng về độ chính xác, tính nhất quán và cập nhật cho các lần thực hiện thủ tục tiếp theo, qua đó hạn chế tối đa các sai lệch và nhầm lẫn về lỗi thông tin, số liệu như khi thực hiện bằng văn bản giấy.
Mở cửa thu hút đầu tư
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, tính đến hết năm 2020, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 8.000 tỷ đồng/năm. Trong năm 2020, đơn vị có nhiều hồ sơ thực hiện qua cổng này nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với gần 600 nghìn hồ sơ. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trên 1.000 hồ sơ nộp qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Từ việc xác định cải cách thủ tục hành chính là phương pháp cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó “mở cửa” thu hút đầu tư, nhiều địa phương coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu, là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2020) mới được công bố vào tháng 6/2021, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương xếp vị trí thứ nhất bảng xếp hạng, với kết quả đạt 91.04%, cao hơn 0.53% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ 2 là Hải Phòng, đạt 90.51%. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân về Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020 với kết quả đạt 73.25%.
Phân tích kết quả cụ thể cho thấy, các chỉ số thành phần đều có sự cải thiện đáng kể. Trong đó, bảy trên tám chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2019. Đặc biệt, có sáu trên tám chỉ số thành phần đạt giá trị trung bình trên 80%, trong khi năm 2019 có 5 chỉ số thành phần và năm 2018 chỉ có 3 chỉ số thành phần thuộc nhóm này.
Trong số này, chỉ số thành phần duy nhất có giá trị trung bình giảm. Đó là “Đánh giá tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH tại địa phương”, đạt 70.25%, thấp hơn 7.64% so với năm 2019.
Tuy nhiên, nguyên nhân là do năm vừa qua do có sự tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các địa phương đều đạt các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, dẫn đến các tiêu chí đánh giá về nội dung này đạt tỷ lệ điểm rất thấp.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc đơn giản hoá thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hà Nội đã sớm chủ động xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025. Thành phố đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Theo đó, các cơ quan của thủ đô đã rà soát, đề xuất đơn giản hóa 87 thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó chính là tiền đề để Hà Nội đạt được một số kết quả khả quan dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó phải kể đến Thủ đô đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn, đứng thứ 2 trên toàn quốc và chiếm tới 23,7% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách Nhà nước, 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được ban đầu, khảo sát của VCCI cho thấy, thực hiện cải cách hành chính, số lượng các dịch vụ công cấp độ 4 có tăng nhưng nhiều bộ ngành vẫn chưa thực hiện được yêu cầu về tỉ lệ ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 4. Số lượng nộp hồ sơ thực tế qua hình thức này không nhiều.
Nếu có, hồ sơ ở một số bộ lại tập trung chủ yếu vào một hoặc một vài thủ tục đơn giản. Trong thời gian qua, chuyển đổi dịch vụ công có xu hướng chuyển thẳng lên cấp độ 4 mà không qua cấp độ 3 (thực hiện trực tiếp nhưng vẫn phải mang hồ sơ bản giấy khi nhận kết quả), nhưng được áp dụng chủ yếu với các thủ tục mang tính báo cáo, không cần cơ quan nhà nước trả lời, hoặc chỉ cần trả lời tự động.
Do đó, thực hiện Nghị quyết 35, các địa phương phải tích cực thực hiện công tác đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua các hình thức như điện thoại đường dây nóng, thư điện tử, công văn hoặc các cuộc đối thoại trực tiếp.
Nhìn chung, từ thời điểm đi vào hoạt động, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã từng bước mang lại một cuộc cách mạng thật sự về cải cách thủ tục hành chính có ảnh hưởng trong phạm vi toàn xã hội.
Việc tăng cường, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia luôn được Chính phủ và các bộ ngành, địa phương xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng để hướng tới xây dựng chính phủ số, xã hội số trong những năm tới đây.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021