Hiệu quả hơn từ những bài học của thầy, cô giáo
6 thầy cô giáo Hà Nội được tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu năm 2023 Khẳng định vai trò thanh niên với văn hóa Thủ đô Người dân góp ý quy tắc ứng xử nơi công cộng |
Triển khai sâu rộng tại nhà trường
Thời gian qua, việc tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng tại nhà trường được thực hiện hết sức nghiêm túc và hiệu quả.
Trường THCS Gia Thụy (quận Long Biên) đặt một tấm biển lớn được đặt trang trọng trước cổng trường với dòng chữ: "Giáo viên, học sinh Trường THCS Gia Thụy thực hiện văn hóa chào hỏi trong và ngoài nhà trường". Ngoài phổ biến và tuyên truyền trên website, hệ thống phát thanh, nhà trường còn lồng ghép vào các giờ học đạo đức, giáo dục công dân, các tiết sinh hoạt ngoại khóa...
Những bài học về ứng xử trên ghế nhà trường sẽ theo các em đi suốt cuộc đời |
Ban Giám hiệu Trường THCS Gia Quất (Long Biên) đã triển khai tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường thực hiện khẩu hiệu: “Khoanh tay, mỉm cười, cúi chào” góp phần bồi đắp, lan tỏa văn hóa giao tiếp gắn với hệ thống quy tắc ứng xử nơi công cộng của. Cách làm này cũng đang được triển khai hiệu quả tại trường Tiểu học Bồ Đề.
Trong khi đó, nhằm tăng cường giáo dục cho học sinh về quy tắc ứng xử nơi công cộng, trường THCS Thống Nhất (quận Ba Đình) đã tổ chức các buổi chuyên đề Kỹ năng giao tiếp và ứng xử học đường.
Hưởng ứng phong trào cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng, trường THCS Mai Dịch cũng thường xuyên tổ chức tiết giáo dục kỹ năng chào hỏi, giao tiếp văn minh, lịch sự - văn hóa ứng xử học đường.
Thông qua từng bài học, các em hiểu hơn về cách thức chào hỏi, cách điều chỉnh hành vi ứng xử nơi công cộng, trong trường học sao cho phù hợp, thể hiện sự văn minh, thanh lịch. Điều đáng mừng là, sau đó, đi đến bất kỳ đâu, các em đều ý thức được tầm quan trọng của việc chào hỏi và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Như vậy, những bài học trong nhà trường đã ngấm vào tư duy, nhận thức và ý thức của các em, góp phần hình thành, bồi đắp những kĩ năng ứng xử trong xã hội, phù hợp với quy chuẩn và văn hóa người Thủ đô.
Tại các huyện, nhiều mô hình thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng được triển khai tại nhà trường. Cụ thể, huyện Mê Linh đã triển khai mô hình điểm mô hình xây dựng trường học thân thiện nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp tại trường Trung học cơ sở Trưng Vương.
Kết quả, giáo viên, học sinh, nhân viên tại trường tự giác chấp hành nội quy, quy chế của nhà trường; gương mẫu về đạo đức và lối sống; không nói tục, chửi thề, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác; không đánh nhau, gây rối. Học sinh kịp thời báo cáo thầy cô giáo khi phát hiện các hành vi gây rối; tích cực tham gia xây dựng, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp; môi trường trường học thân thiện, văn minh.
"Bầu khí quyển văn hóa"
Nhà trường không chỉ là nơi mang đến cho các em kiến thức và ước mơ, cùng với gia đình và xã hội, nhà trường còn là "bầu khí quyển văn hóa" nuôi dưỡng nhân cách của những thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của thành phố. Với phương pháp sư phạm, với tình yêu thương học sinh, sinh viên vô bờ của mình, các thầy, cô giáo sẽ là những "tuyên truyền viên" về quy tắc ứng xử nơi công cộng vô cùng hữu hiệu.
Thầy cô giáo là người truyền thụ kiến thức và bảo ban những điều hay, lẽ phải |
Những bài học theo từng tình huống cụ thể thông qua lời giảng truyền cảm của các thầy, cô sẽ thấm sâu vào tâm hồn các em, để các em hiểu và thực hành thường xuyên, liên tục mọi lúc mọi nơi, tại nhà trường, về gia đình và khi ra không gian công cộng.
Điều này sẽ góp phần làm gắn bó thêm tình cảm thầy trò, tạo nên môi trường giáo dục càng thiết thực và hạnh phúc hơn. Lối ứng xử giữa thầy cô và học sinh, sinh viên cũng theo đó trở nên văn minh, đúng mực hơn.
Lồng ghép quy tắc ứng xử công cộng cũng như quy tắc ứng xử trong nhà trường vào các bài học ngoại khóa chính là một hướng đi vô cùng hiệu quả và thực chất. Bởi lẽ, với học sinh, sinh viên, tất cả các bài học từ lối ứng xử, lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành vi và nhận thức đúng, sai đều phải được lặp đi lặp lại, có tính hệ thống, thường xuyên, liên tục theo các cấp học.
Cùng với những gì được học từ gia đình, xã hội, các tình huống đặt ra trong các bài học với sự tư vấn, lời khuyên của các thầy cô cũng là cách để các em rút kinh nghiệm, khắc sâu những điều cần ghi nhớ trong đầu để phản ứng cho những tình huống bất kì có thể xảy ra trong đời sống.
Bởi vậy, đối với giáo viên, nhiệm vụ đó cũng không kém phần nặng nề nhưng cũng hết sức vinh quang. Bởi lẽ, những thế hệ học trò dưới môi trường giáo dục của Thủ đô có trở thành lớp công dân mẫu mực trong tương lai, thành người Hà Nội thanh lịch, văn minh hay không một phần cũng nhờ sự dạy bảo của thầy cô giáo trong nhà trường hôm nay.
Chắc chắn rằng, mỗi lứa học sinh đều tự hào bởi những điều mà thầy, cô giáo đã dạy họ. Ai cũng mang trong mình lòng biết ơn vô bờ với điều hay, lẽ phải mà họ được từ ghế nhà trường. Chính vì lẽ đó, "nghề trồng người" lại càng trở nên cao quý hơn bao giờ hết!