Hiệu quả từ các mô hình điểm và cách làm hay
Đẩy mạnh thực hiện mô hình bộ phận Một cửa văn minh, thân thiện Nhiều mô hình sáng tạo từ cơ sở Đảng Phát huy hiệu quả mô hình điểm tuyên truyền quy tắc ứng xử |
Tạo dấu ấn khác biệt
Với mỗi địa phương, thực hiện mô hình điểm không chỉ là nhiệm vụ mà còn là "màu cờ sắc áo", tạo nên sự khác biệt, mang dấu ấn từng quận, huyện trong tổng thể nền tảng văn hóa chung của người Hà Nội.
Con đường hoa tại Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội |
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Trì cho biết, tại đây triển khai mô hình điểm “Thi đua xây dựng thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp gắn với Tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại thôn 3 xã Yên Mỹ.
Từ hai mô hình này, nhận thức của cán bộ và Nhân dân được nâng lên rõ rệt, đạt nhiều hiệu quả tích cực.
Đường hoa ban tại Mê Linh, Hà Nội |
Huyện Mê Linh cũng triển khai mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh, sạch, đẹp tại các thôn thuộc xã Hoàng Kim. Kết quả, Nhân dân trên địa bàn xã đã tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy tắc nơi công cộng; Tôn trọng không gian chung của cộng đồng; Giữ gìn, làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường; Duy trì trật tự, vệ sinh thường xuyên; Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực.
Tại quận Hoàng Mai, tính đến thời điểm hiện tại, 14/14 phường đăng ký thực hiện Mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn tại 1 di tích/phường; Thực hiện Mô hình chung cư văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung.
Đối với Mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung, quận tuyên truyền tại cửa thang máy, niêm yết nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng, niêm yết tiêu chí mô hình tại sảnh chung cư bảo đảm Nhân dân dễ nhìn, dễ thấy. Quận cũng giao các Ban quản trị chung cư tổ chức phổ biến và vận động Nhân dân sinh sống tại tòa nhà thực hiện các nội dung của tiêu chí; tuyên truyền, vận động Nhân dân trong tổ thực hiện các nội dung của tiêu chí.
Đối với Mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn tại các di tích trên địa bàn quận: UBND các phường đã tuyên truyền, niêm yết nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng (tại di tích), niêm yết tiêu chí mô hình tại khu vực trung tâm di tích. Hoàng Mai quán triệt các Tiểu Ban quản lý di tích tổ chức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Đối với người trông coi di tích quận yêu cầu phải ứng xử lịch thiệp, nhã nhặn, đúng mực; Trang phục phù hợp; ưu tiên giúp đỡ người khuyết tật, người già, trẻ em; Bảo vệ cảnh quan môi trường. Lực lượng này cũng có nhiệm vụ nhắc nhở người đến tham quan, hành lễ tại di tích chấp hành quy định, nội quy; Trang phục phù hợp; giữ gìn trật tự, vệ sinh chung; Bảo vệ cảnh quan, môi trường; Thực hiện nghi thức truyền thống theo quy định.
Con đường xanh sạch đẹp tại Hoàng Mai, Hà Nội |
Đặc biệt, Hội phụ nữ quận Hoàng Mai đã lan tỏa mô hình “Trạm rác văn minh” - công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập quận Hoàng Mai. Mô hình này được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn hưởng ứng. Không chỉ dừng lại ở đó, những “Trạm rác văn minh” tiếp tục được nhân rộng tới các quận, huyện bạn trên địa bàn Thành phố. Hy vọng thời gian tới sẽ có thật nhiều “Trạm rác văn minh”, lan tỏa phong trào phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường và tinh thần tương thân, tương ái, nhân đạo từ thiện.
Như vậy, tại mỗi địa phương đều có những mô hình riêng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Sáng tạo đạt kết quả cao
Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng có nhiều cách làm sáng tạo trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý di tích và lễ hội và đạt nhiều kết quả đáng biểu dương, khích lệ.
UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo UBND các phường, Ban Quản lý di tích phường, tiểu ban quản lý các di tích thực hiện công tác quản lý di tích theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; Niêm yết nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích tại vị trí dễ nhìn, dễ thấy để Nhân dân và khách thập phương đến thực hành tín ngưỡng thực hiện, đồng thời thường xuyên rà soát, thay thế các bảng niêm yết đã cũ, hỏng, phân công các thành viên tiểu ban quản lý nhắc nhở và hướng dẫn khách thập phương và Nhân dân thực hiện.
Lễ hội vật cầu tại Hoàng Mai, Hà Nội |
Kết quả, tại các di tích trên địa bàn quận Hoàng Mai không có hiện tượng ăn mặc hở hang, phản cảm khi đến tham quan, hành lễ. Người dân đến hành lễ chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của di tích, hạn chế đốt vàng mã, không nói to, cười đùa, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.
UBND huyện Thanh Trì cũng chỉ đạo các Ban quản lý di tích, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội từ huyện đến các xã, các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú: Phát thanh tuyên truyền, niêm yết quy tắc ứng xử, nhắc nhở người dân, du khách thập phương trực tiếp hoặc trên hệ thống truyền thanh.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Hà Nội |
Hàng năm trên địa bàn huyện Mê Linh có khoảng 60 lễ hội như: Đền Phù Trì, xã Kim Hoa, đền Đông Cao, đền Ả Lư Minh Vương, xã Tráng Việt, đình chùa Chi Đông, thị trấn Chi Đông và Lễ hội đền Hai Bà Trưng di tích Quốc gia đặc biệt được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng giêng. Trong các ngày diễn ra lễ hội Ban quản lý di tích đã phát thanh liên tục từ 7h00 đến 18h00 tuyên truyền về các nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhắc nhở người dân và du khách thập phương thực hiện đúng nếp sống văn minh nơi thờ tự và tại khu vực diễn ra lễ hội.
Tất cả những điều đó cho thấy Quy tắc ứng xử là một nhiệm vụ thường trực, thể hiện ý thức, trách nhiệm của chính quyền và Nhân dân trong xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng sống cho chính mình và mọi người. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng nhằm bồi đắp con người Hà Nội càng thêm thanh lịch, văn minh, hiện đại.