Hiệu quả từ mô hình “Ngã tư an toàn giao thông”
Nâng cao văn hóa giao thông của người dân Thủ đô
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dừng xe lên cả phần đường dành riêng cho người đi bộ... là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông tại các ngã tư.
"Mặc dù đã có nhiều giải pháp để xử lý tình trạng này, song một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chưa cao, vẫn cố tình vi phạm tạo nên hình ảnh chưa đẹp về giao thông của Thủ đô. Đã đến lúc xây dựng những “Ngã tư an toàn giao thông”, chính là nâng cao văn hóa giao thông của người dân Thủ đô" - đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết.
Hiện nay, tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào thành phố tình trạng người tham gia giao thông điều khiển xe đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, dừng, đỗ xe trái quy định, không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường... có diễn biến phức tạp, gây mất an toàn giao thông.
Ngay sau khi tập trung xử lí các lỗi vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông đã triển khai hơn 20 ngã tư an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội |
Để giải quyết triệt để tình trạng trên, ngăn ngừa ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao ý thức chấp hành của người dân, qua đó dần hình thành thói quen văn hóa giao thông trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Xây dựng mô hình “Ngã tư an toàn giao thông”, triển khai tại các nút giao trọng điểm, tiến tới nhân rộng ra toàn địa bàn thành phố.
Theo đó, mô hình “Ngã tư an toàn giao thông” đang được triển khai trên 20 nút giao thông như: Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, Khâm Thiên - Lê Duẩn, Đại Cồ Việt - Giải Phóng, Giải Phóng - Đỗ Mười, Ngã ba Ga Thường Tín, khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, Bắc cầu Thăng Long, Võ Nguyên Giáp - Lối ra Nguyên Khê (hướng đi Quốc lộ 2), Võ Văn Kiệt - Quốc lộ 2, Liễu Giai - Đào Tấn, Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng; Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, Đường gom Đại lộ Thăng Long, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học, Nguyễn Lương Bằng - Xã Đàn, Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, Quốc lộ 32 (từ Km14 đến Km64), Quốc lộ 21A (từ Km0 đến Km12+200), Cát Linh - Giảng Võ, Láng Hạ - Giảng Võ, đường Hồ Chí Minh (từ Km419+900 đến Km437+386).
Tại khu vực nút giao thông Lê Duẩn - Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông) đã được triển khai từ sớm, thực hiện nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, đồng thời ngăn chặn, xử lý người cố tình vi phạm.
Đây là nút giao có mật độ phương tiện qua lại đông đúc, lại có tuyến đường sắt đi qua nên việc điều tiết giao thông yêu cầu linh hoạt, bám sát và xử lý tất cả tình huống phát sinh.
Sau khi mô hình “Ngã tư an toàn giao thông” được xây dựng, duy trì tại các nút giao trọng điểm, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ đánh giá hiệu quả và triển khai nhân rộng ra toàn thành phố.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông thành phố cho biết, thực hiện Phương án số 04 của Công an thành phố, thời gian qua, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các quận, huyện, thị xã đã tập trung lực lượng phối hợp chỉ huy điều khiển giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng phần đường, làn đường quy định, chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường.
Lực lượng CSGT Hà Nội làm nhiệm vụ tại các nút giao thông |
Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phòng Cảnh sát giao thông chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật giao thông qua hệ thống loa truyền thanh tại 61 nút giao trọng điểm.
Đồng thời, đơn vị cũng tiếp tục rà soát, đánh giá về tổ chức giao thông tại các ngã ba, ngã tư trọng điểm, kiến nghị Sở Giao thông vận tải bổ sung, sửa chữa, và lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ như biển báo, vạch kẻ đường... bảo đảm rõ ràng, đúng quy định, giúp người dân dễ dàng thực hiện.
Đơn vị cũng phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải, Công an cơ sở, phân luồng, hướng dẫn giao thông trong các khung giờ cao điểm, bảo đảm không xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là những hành vi dễ dẫn đến ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông như: Điều khiển xe đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, dừng, đỗ xe trái quy định, không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường...