Giải quyết ùn tắc giao thông nội đô Hà Nội
Hà Nội thông qua đề án “giao thông thông minh” Hà Nội đang từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh Giao thông thông minh: Trụ cột chính của thành phố thông minh |
Giải bài toán từ thách thức môi trường, đô thị
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, TP hiện hơn có 1,1 triệu ô tô, 6,7 triệu xe máy. Trung bình mỗi năm, Hà Nội tăng thêm 200.000 người, ô tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng 3%. Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông đạt 12% và 1,5% diện tích đường cho 1km2. Mặc dù, Hà Nội luôn quan tâm dành nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông song tốc độ đầu tư chưa theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện.
Trong nhiều năm qua, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch, từng bước ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ùn ứ thường xuyên tại các nút giao thông có mật độ lưu thông lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây mất an toàn giao thông, ô nhiêm môi trường,...
Trong bối cảnh đó, ùn tắc giao thông đang diễn biến khá phức tạp, đòi hỏi TP phải có những giải pháp nhanh, mạnh, hiệu quả bền vững. Một trong những giải pháp cấp bách nhất hiện nay là đầu tư, xây dựng ITS.
Ông Nguyễn Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP phát biểu tại Hội thảo "Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững" |
Theo ông Nguyễn Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, đây là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông thành phố. “Giải pháp hiệu quả cho những bài toán đó là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông. Đó chính là nội hàm của hệ thống giao thông thông minh, xu hướng phát triển của tất cả các hệ thống giao thông các nước”, ông Nguyễn Việt Hải nhận định.
Cũng theo ông Hải, trong những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong giải pháp này như giám sát giao thông bằng camera, giám sát các phương tiện vận tải bằng thiết bị giám sát hành trình, xây dựng một sô ứng dụng phục vụ đỗ xe, tìm tuyến xe bus,... Đây là những tiền đề đầu tiên đề triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS trong thành phố.
Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của thành phố thông minh (không thể có được thành phố thông minh nếu không phát triển được hệ thống giao thông thông minh).
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung |
Theo chuyên gia giao thông Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, hệ thống giao thông thông minh (ITS) đã được triển khai và cho hiệu quả rõ rệt tại nhiều đô thị lớn, tương đồng với Hà Nội trên thế giới cũng như trong nước. ITS có thể hiểu đơn giản là ứng dụng kỹ thuật công nghệ điện tử, tin học, viễn thông… vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống GTVT nhằm bảo đảm trật tự, ATGT, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường.
Trong khi tốc độ mở rộng hạ tầng chậm chạp hơn hẳn so với sự gia tăng dân cư và phương tiện, ứng dụng ITS sẽ giúp hệ thống giao thông của TP hoạt động hiệu quả hơn. Các nhà quản lý có thể đưa ra những quyết định chính xác về tổ chức giao thông, phân luồng, ứng phó với tình huống khẩn cấp… ITS là phần mềm điều khiển còn hạ tầng và phương tiện là phần cứng của bộ máy. Có phần mềm tốt, những khó khăn của phần cứng sẽ dần được hạn chế và vượt qua.
Mặt khác trong tương lai khi các loại hình phương tiện giao vận tải công cộng hiện đại phổ biến hơn, nhu cầu giao thông cao hơn, ITS sẽ hỗ trợ tối đa cho công tác quản lý, kết nối, tạo nên một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, vận hành tốt cho cả TP.
Từng bước phát triển giao thông thông minh
Thực tế cho thấy, trước khi Đề án giao thông thông minh được thông qua, việc phát triển giao thông thông minh đã được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng trong lộ trình phát triển thành phố thông minh, hiện đại. Quá trình này cũng đã đạt được những chuyển biến tích cực.
Lãnh đạo TP Hà Nội nghe giới thiệu về Trung tâm Điều hành giao thông thông minh |
Minh chứng, vào đầu tháng 7 vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (đặt tại số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình). Qua đó, kỳ vọng sẽ góp phần tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả.
Trung tâm Điều hành giao thông thông minh là một trong những giải pháp quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể.
Cũng trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1 trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2027.
ITS sẽ được triển khai theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chi phí ước tính khoảng 392 tỷ đồng cho giai đoạn 1 (từ năm 2025-2027), nguồn từ ngân sách thành phố.
Hà Nội chủ trương xây dựng hệ thống giao thông thông minh, an toàn, thông suốt |
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Hà Nội đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2026) là hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội.
Giai đoạn 2 (2027-2029) sẽ mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng hiện hữu đã hình thành trong giai đoạn 1; Hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại: Quản lý vận tải; quản lý nhu cầu (thu phí nội đô); mô phỏng giao thông). Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông thành phố tại trung tâm.
Giai đoạn 3 (từ năm 2030) sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh, đưa Hà Nội trở thành thành phố có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.