Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn - Cảm hứng bất tận cho thế hệ trẻ
Giải pháp đào tạo mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc trong thời đại 4.0 Dùng hội hoạ để phát triển tư duy học sinh Festival Mỹ thuật trẻ năm 2024 sẽ diễn ra tại Hà Nội |
Đưa mỹ thuật đến gần hơn với người trẻ
Nằm trong tứ trụ thứ nhất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại Trí - Lân - Vân – Cẩn, danh họa Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) thể hiện tài năng ở nhiều mặt, từ tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu đến tranh khắc gỗ. Những tác phẩm của ông góp phần hình thành nên diện mạo của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đưa hương sắc mỹ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Cuốn sách “Trần Văn Cẩn- Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”. |
Sinh thời, danh hoạ Trần Văn Cẩn là một người chất phác, đôn hậu nhưng cả nửa đầu sự nghiệp, ông dấn thân cho nghệ thuật, có nhiều tìm tòi, đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện kỹ thuật sơn mài. Nửa sau sự nghiệp, Trần Văn Cẩn dấn thân cho sự nghiệp mỹ thuật phục vụ nhân dân. Ông chấp nhận hy sinh cái tôi cá nhân, ý thích cá nhân để phụng sự con người, phụng sự nền Mỹ thuật của dân tộc.
TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại chương trình. |
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam may mắn lưu giữ một bộ sưu tập quý giá những tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn. Với những bài viết, hình ảnh và thông tin các tác phẩm, cuốn sách “Trần văn Cẩn- Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” sẽ phần nào giúp bạn đọc có được những hình dung đầy đủ hơn về chân dung và nhân cách danh họa Trần Văn Cẩn - Một trong những cây đại thụ của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Cuốn sách không chỉ là một tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên mỹ thuật mà còn là món quà tinh thần ý nghĩa dành tặng những người yêu thích hội họa Việt Nam.
Bạn trẻ Phạm Trà My (24 tuổi, Hà Nội). |
Tham gia chương trình ra mắt sách, bạn trẻ Phạm Trà My (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân mình từ lúc còn nhỏ đã được gia đình dẫn tới Bảo tàng Mỹ thuật vào mỗi dịp cuối tuần. Ấn tượng để lại trong kí ức tuổi thơ chính là bức tranh “Em Thuý” của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn. Mình cảm nhận được nét hồn nhiên, ngây thơ, trong trẻo qua những nét vẽ có chiều sâu của danh hoạ. Chính tác phẩm này là cảm hứng nuôi dạy giấc mơ hội hoạ của mình. Hiện mình cũng làm việc trong ngành này”.
Một số tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn được trình bày trong cuốn sách. |
Trà My cũng cho biết bản thân thực sự bị cuốn hút bởi thế giới màu sắc và những câu chuyện ẩn chứa trong từng bức tranh. Các tác phẩm trong cuốn sách không chỉ đẹp mắt mà còn mang đậm dấu ấn của một thời kỳ lịch sử, giúp bạn hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam.
Âm nhạc kết nối thế hệ
TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trao thư cảm ơn và tặng hoa tác giả Paul Zetter. |
Trong khuôn khổ chương trình ra mắt sách, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp nhận tác phẩm âm nhạc "Little Thuy’s Minuet" do tác giả Paul Zetter trao tặng. Đến Việt Nam vào năm 1998 với tư cách là Trợ lý Giám đốc Hội đồng Anh, Paul Zetter đã phát động chiến dịch khôi phục tranh Em Thúy năm 2000. Tác phẩm Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn đã tạo cho ông những cảm xúc đặc biệt và ông đã viết bản nhạc dành riêng cho tác phẩm này.
Với sự đồng hành của Nghệ sĩ nhân dân Ngô Hoàng Quân, bản nhạc đã được chuyển soạn cho nhóm nhạc thính phòng và lần đầu được công diễn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong sự kiện này. Bản nhạc "Little Thuy’s Minuet" là một món quà ý nghĩa, cùng với Bảo vật quốc gia Em Thúy sẽ được tiếp tục lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Em Đinh Trang Uyên cùng các bạn trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trình bày bản nhạc "Little Thuy’s Minuet" tại chương trình. |
Trực tiếp trình bày bản nhạc "Little Thuy’s Minuet" tại chương trình, Đinh Trang Uyên (17 tuổi, Hà Nội) không giấu được cảm xúc khi lần đầu tiên được chơi một bản nhạc chưa từng công chiếu: “Mỗi nốt nhạc, giai điệu khiến mình cảm nhận được sống trong cảm xúc của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn khi đứng trước ánh mắt nhìn trong trẻo đến diệu kỳ của “Em Thúy”, một gương mặt của cô gái nhỏ Việt Nam trong thời kỳ đất nước chiến tranh, loạn lạc nhưng vô cùng ngây thơ, trong sáng”.