Học sinh THPT Việt - Đức tập huấn kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.
Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là do phần lớn trẻ em nước ta chưa được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản về bơi lội; chưa biết cách phòng tránh và xử lý tình huống khi xảy ra tai nạn đuối nước.
Chương trình tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng ứng phó tai nạn gây thương tích năm 2017 thu hút sự tham gia của hơn 200 em học sinh. Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đến từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (VNMRCC) đã hướng dẫn và cho các em thực hành những nội dung: Hướng dẫn thực hành sơ cứu y tế, băng bó vết thương; Kỹ năng chống đuối nước và hướng dẫn thực hành: thoát hiểm khi gặp đuối nước; Kỹ năng thoát khỏi các đám cháy và hướng dẫn thực hành sử dụng bình cứu hỏa, mặt nạ phòng cháy, phương pháp buộc dây thoát hiểm ở các đám cháy…
Theo ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, qua buổi tập huấn này, chúng tôi mong muốn rằng, các em học sinh sẽ hiểu rõ một số kỹ năng cơ bản nhất mà học sinh trung học phổ thông nói riêng và lứa tuổi thanh, thiếu niên nói chung cần phải nắm được để phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thực tế có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống tai nạn, thương tích ở trẻ em.