Hồi chuông cảnh báo về tình trạng phạm tội trong thanh thiếu niên
Tội phạm ngày càng trẻ hóa
Thời gian qua, tại nhiều địa phương xảy ra không ít vụ án mà thủ phạm là thanh, thiếu niên. Điều đáng nói là những hành vi này không chỉ xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội, thủ đoạn thực hiện được tính toán kỹ lưỡng, thậm chí hình thành các băng nhóm.
Chỉ với vài thao tác đơn giản tìm kiếm trên internet, ai cũng có thể tìm thấy và tham gia các hội nhóm “đen”, như: Hội những người đi tù (hơn 275.000 thành viên); Hội thanh niên thích đua xe (hơn 10.000 thành viên), Hội vỡ nợ muốn làm liều (hơn 12.000 thành viên); Hội túng quẫn làm liều (8.000 thành viên)...
Trong các hội nhóm này, những chủ đề như rủ nhau đi cướp, sử dụng chất cấm, rủ nhau đi đòi nợ... được nhiều thanh, thiếu niên hưởng ứng, đồng ý tham gia. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến một số vụ việc thanh, thiếu niên lôi kéo, rủ nhau tham gia các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra thời gian qua.
Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức kiểm tra, trấn áp tội phạm đua xe, vi phạm trật tự xã hội vào ban đêm cho thấy, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút đã có nhiều trường hợp thanh, thiếu niên điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, tụ tập thành từng đoàn lạng lách, đánh võng bị các chiến sĩ công an xử lý. Hầu hết các đối tượng tuổi đời còn trẻ nhưng hành vi rất manh động, liều lĩnh.
Thời gian qua, tình hình tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp |
Trước đó, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng đã bắt giữ 12 đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Theo đó, do mâu thuẫn cá nhân, nhóm của N.T.A (sinh năm 2005) mang theo dao, vỏ chai thủy tinh... đi tìm và đánh nhau với nhóm của N.T.Đ (sinh năm 2007). Tại cơ quan điều tra, N.T.A khai nhận do bố mẹ bỏ nhau nên bỏ học, ở nhà với ông bà. Vì thiếu sự quản lý nên khi nghe các bạn rủ đi chơi, đi đánh nhau là N.T.A tham gia ngay...
Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian gần đây, vào ban đêm, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ… trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành từng nhóm, điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao, Rú còi, lạng lách đánh võng trên các tuyến phố; Đặc biệt có nhóm còn mang theo hung khí (dao, kiếm, ống típ sắt gắn phóng lợn…) diễu hành, rượt đuổi, đánh nhau trên các tuyến phố, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Chỉ tính riêng trong Quý III/2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 83 vụ, 266 đối tượng là người chưa thành niên phạm tội và vi phạm pháp luật, tăng 15 vụ so với 6 tháng đầu năm 2022; Tập trung vào các hành vi cướp; Cướp giật; Trộm cắp tài sản; Cố ý gây thương tích; Gây rối trật tự công cộng; Xm hại tình dục… Trong đó, đối tượng phạm tội lần đầu chiếm 91,7%; Đối tượng ngoại tỉnh chiếm 7,9%; Đối tượng là học sinh bỏ học chiếm 23,7%.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên
Qua các vụ án, vụ việc đã điều tra, khám phá cho thấy, người chưa thành niên phạm tội và vi phạm pháp luật có nhận thức về pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự còn hạn chế. Bên cạnh đó, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, hoàn cảnh, môi trường sống; Sự quan tâm, giáo dục từ gia đình còn buông lỏng; Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong quản lý còn hạn chế; tác động tiêu cực của các thông tin trên mạng Internet… đã trực tiếp ảnh hưởng xấu đến nhận thức của các đối tượng này.
Các đối tượng thường có xu hướng cấu kết hình thành từng nhóm để thực hiện hành vi vi phạm, nhiều vụ việc có tính chất liều lĩnh, manh động, thể hiện sự coi thường pháp luật, gây bức xúc, lo lắng trong dư luận xã hội.
Trước tình hình đó, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp kịp thời, quyết liệt các loại tội phạm liên quan đến người chưa thành niên, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Các đối tượng thường có xu hướng cấu kết hình thành từng nhóm để thực hiện hành vi vi phạm, nhiều vụ việc có tính chất liều lĩnh, manh động |
Bên cạnh đó, các đơn vị công an phối hợp cùng với chính quyền địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, toàn dân huy động sức mạnh tổng hợp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, liên quan đến người chưa thành niên nói riêng. Đặc biệt, các đơn vị công an xác định đây là giải pháp "xuyên suốt, trọng tâm, đột phá" phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm liên quan đến người chưa thành niên nói riêng.
Trung tá Phạm Xuân Thiên, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh cho biết: “Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm liên quan đến người chưa thành niên, Công an thành phố Hà Nội đề nghị gia đình, nhà trường và cả cộng đồng cùng chung sức quan tâm, giáo dục, quản lý, kiểm soát con, em mình, học sinh, người chưa thành niên… kịp thời phát hiện những lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của các em, sớm có biện pháp tháo gỡ hoặc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Đồng thời, Công an thành phố Hà Nội cũng đề nghị các tầng lớp Nhân dân, khi phát hiện những dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật, nhất là những vi phạm có liên quan đến người chưa thành niên, hãy cung cấp thông tin ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, tổng đài 113, trang Facebook Công an thành phố Hà Nội… để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, vì bình yên cuộc sống của Nhân dân”
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên; Gắn giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa, giai đoạn 2022-2030.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng, lứa tuổi; Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, đảm bảo thiết thực, đi vào chiều rộng và chiều sâu, xuất phát từ nhu cầu thực sự của thanh thiếu niên và gắn với vấn đề dư luận xã hội quan tâm...