Hợp tác xã ứng dụng công nghệ số mở rộng thị trường trong đại dịch
Tiếp cận khách hàng bằng công nghệ số
Dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Để ứng phó với đại dịch, giữ vững mức tăng trưởng, các hợp tác xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tăng kết nối, tiêu thụ nông sản.
Thời gian qua, nhiều hợp tác xã đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo và đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử... Đây là tín hiệu vui thể hiện sự bắt nhịp thị trường của các HTX trong thời đại công nghệ số.
Đơn cử như Hợp tác xã Rau củ quả sạch Gia Cát, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), trong những năm qua, hợp tác xã này luôn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau VietGAP nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Hợp tác xã Gia Cát đã tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp các loại rau quả, bảo đảm an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh; Hợp tác xã cũng mở rộng kinh doanh thông qua thị trường công nghệ. Nhờ đó, doanh thu của hợp tác xã ngày càng tăng lên.
Cụ thể, nếu như năm 2019, doanh thu của hợp tác xã chỉ đạt hơn 100 triệu đồng thì năm 2020 đã lên đến trên 500 triệu đồng. Hợp tác xã cũng đã đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP để nâng cao giá trị và thương hiệu trên thị trường.
Các hợp tác xã đã chủ động ứng dụng công nghệ số để quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra cho nông sản |
Theo anh Hoàng Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Gia Cát, trước đây, các sản phẩm của hợp tác xã sau khi được thu hoạch, thường phải vận chuyển đến các chợ đầu mối để tìm người thu mua. Tuy nhiên hiện nay, các thành viên đã chụp ảnh sản phẩm đăng lên Zalo, Facebook để quảng cáo. Nhờ đó, khách hàng có thể nắm được các sản phẩm hiện có tại hợp tác xã. Cùng với đó, sản phẩm được nhiều người biết đến, lượng khách đặt hàng tăng nhanh qua các tháng.
“Qua các trang mạng xã hội của thành viên, khách hàng có thể đặt hàng và được hợp tác xã giao hàng tận nơi. Đây là cách giúp mang rau quả an toàn đến tận tay người tiêu dùng, tạo niềm tin và hình thành nên thói quen sử dụng rau sạch” anh Thuận nói.
Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, thông qua nền tảng công nghệ số không chỉ được mở rộng bởi các thành viên hợp tác xã mà hiện nay nhiều địa phương đã hỗ trợ người dân cũng như các hợp tác xã xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế (Bắc Giang) chuyên nuôi, chế biến các sản phẩm gà đồi.
Đầu tháng 5 vừa qua, nhận thấy thị trường tiêu thụ có khả năng bị thu hẹp do nhiều địa phương thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, lượng khách hàng bị giảm, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế đã quyết định tìm kiếm, đưa sản phẩm lên một số trang thương mại điện tử như: VOSO, Alibaba… Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng bợi dịch bệnh nhưng sản lượng tiêu thụ của hợp tác xã trong tháng 5 và 6 đều tăng. Cụ thể, hai tháng gần đây, hợp tác xã xuất bán trung bình hơn 2 tấn gà thịt cùng 5 tạ giò, chả/tháng, cao gấp đôi thời điểm trước khi có dịch.
Nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ cho các hợp tác xã
Nghiên cứu mới đây của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại 174 hợp tác xã ở 24 tỉnh thành phố và 34 Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố ghi nhận, 76,8% số hợp tác xã tham gia khảo sát đã áp dụng số hóa để trao đổi thông tin và ra quyết định tập thể; 47,4% hợp tác xã thay đổi phương thức kinh doanh như, chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang online kết hợp giao hàng tận nơi; 37,4% hợp tác xã sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tuyên truyền tư vấn chuyện môn, chính sách…
Có thể nhận thấy, vai trò của thương mại điện tử trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sẽ dễ dàng giúp người dân và các hợp tác xã giới thiệu và kết nối sản phẩm của tới khách hàng một cách tiện lợi, dễ dàng. Việc ứng dụng công nghệ số trong việc giới thiệu, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm đã được nhiều hợp tác xã nông nghiệp và nhiều hộ dân ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế.
Việc phát triển thị trường trên nền tảng số đã mang lại hiệu quả tích cực cho các hợp tác xã |
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có khoảng 20% số hợp tác xã có website giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ và khoảng 40% hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quang Duy, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: “Hiện chúng tôi đang tìm hiểu, khảo sát việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, song cũng gặp khó bởi chi phí cho hoạt động này lớn. Trong khi đó, thành viên hợp tác xã vẫn chủ yếu làm việc theo phương thức truyền thống, việc tiếp nhận công nghệ mới, nền tảng kỹ thuật số khiến họ phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu".
Rõ ràng việc phát triển thị trường trên nền tảng số đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hiện thương mại điện tử vẫn còn rất sơ khai. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ nhân sự quản lý hợp tác xã còn hạn chế, chưa có nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động thương mại điện tử, nguồn lực về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc chưa đảm bảo.
Để phát huy hết vai trò của thị trường công nghệ số, cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thương mại điện tử cho các hợp tác xã một cách phù hợp và thiết thực. Các ngành chức năng cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và sản xuất đào tạo nhân lực mới có thể giúp người nông dân, hợp tác xã bắt kịp thị trường công nghệ số hiện nay.