Hương vị tình đời, tình người
(Đọc “Hương vị thời gian” của Bùi Thế Đức - NXB Hội nhà văn, tháng 1/2023)
Tôi trân trọng đón tập thơ đầu tay của nhà báo, tiến sĩ Bùi Thế Đức gồm 37 bài được cấu trúc thành 4 phần rành mạch. Phần I là Tiếng gọi mùa xuân; Phần II là Kỷ niệm mùa hè; Phần III là Hương vị mùa thu; Phần IV là Nỗi nhớ mùa đông. Đọc kỹ, tôi nhận ra rằng, đó chỉ là sự phân chia mang tính ước lệ, bởi dù nói về mùa nào thì "mùi hương" bao trùm vẫn là hương của tình yêu và nỗi nhớ, một thứ hương được ấp ủ, lên men qua gần nửa thập niên khi trái tim người học trò quê đất Hà Tây với nhịp tim rung động đầu đời, để rồi nhịp đập ấy cứ ngày một dập dồn, khi trào sôi, lúc lắng đọng, nhất là từ mốc thời gian anh đi nghiên cứu sinh ở nước Nga xô - viết cho đến hôm nay. Có bạn đọc với chút tò mò, hỏi tôi rằng, những nỗi niềm "thầm yêu trộm nhớ" ấy đã nảy sinh qua mấy thập niên, mà sao nay mới cho "bùng phát"?! Tôi trả lời vui: Có lẽ với bản tính của tác giả là con người chỉn chu, cẩn trọng nên thời gian đảm nhiệm cương vị Vụ phó, Vụ trưởng, rồi là Phó trưởng Ban, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Tuyên giáo TW, anh đành "ghìm nén" những cảm xúc riêng tư ấy chăng?!
Tập thơ Hương vị thời gian của nhà báo, tiến sĩ Bùi Thế Đức |
Trở lại dòng chảy của tập thơ, tôi có cảm nhận, dù phân chia làm 4 phần thì cảm hứng chủ đạo bao trùm vẫn là hương xuân, tình xuân, ký ức xuân, kỷ niệm xuân.... trong hành trình gần 5 thập niên của tác giả, từ ngày rời ghế nhà trường đến lúc sang nước bạn học tập, nghiên cứu để nhận bằng Tiến sĩ ngữ văn ở Trường đại học Tổng hợp vào bậc danh giá nhất thế giới - mang tên nhà khoa học vĩ đại Lô-mô-nô-xốp. Ở đây, dù đã trải qua những mùa đông băng giá, tuyết phủ trắng ngọn cây và những mái nhà, nhưng lòng anh vẫn thấy lâng lâng hơi ấm khi nhớ về Hồ Tây liễu rủ; về đền Ngọc Sơn ở Hồ Gươm linh thiêng; về mùa hạ vang tiếng ve ngân và nắng bừng phượng đỏ; về sen Hồ Tây ngát thơm; về cây bàng mùa đông trút lá; về những nơi hẹn hò với những nụ hôn đầu đời đã đi vào ký ức cuộc đời. Hãy lướt qua những tít bài đầy sức gợi về những cảm nhận rất xuân của tác giả từ thuở hoa niên cho đến lúc tuổi đã lục tuần, như “Hương đào mùa Xuân”,"Tiếng gọi mùa Xuân", "Lắng nghe mùa Xuân", "Tím mỗi hoàng hôn", "Chiều trên bờ cát", "Đi giữa mùa Thu", "Mình xa nhau vào mùa Đông", "Thiên cầm trong xanh" (đây là bài viết mới nhất vào mùa thu 2022). Rõ ràng những cung bậc cảm xúc qua các bài thơ về những vùng đất đi qua, những con người đã gặp, tác giả đã dệt nên bức tranh cảm xúc đa dạng, đa chiều, đa màu sắc. Với người đã từng ở nơi viễn xứ thì cung bậc cảm xúc ấy nhiều lúc được nâng tới đỉnh cao:
Anh góp heo may Hà Nội
Trộn vàng óng ả Mát-xcơ-va
Hai nước - hai đầu nỗi nhớ
Ta cùng Thu như níu lại gần
(Mùa thu Hà Nội và Mát-Xcơ-va)
28 năm sau, trở lại Mát-xcơ-va, những xốn xang, thổn thức một thời lại ùa về, lay thức trái tim tác giả:
Những bông tuyết bay bay như thuở ban đầu
Anh hồi hộp, ngỡ ngàng xoè tay đón
Nhưng tuyết cứ lảng xa anh không đậu lại
Hay tuyết trách thầm, sao ta lại xa nhau?
(Có một mùa đông Mát-Xcơ-va)
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh và TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách tại Hội nghị tập huấn Lý luận, phê bình VHNT tại An Giang, tháng 8/2022 |
28 năm đằng đẵng ấy, ấn tượng ngày chia tay em ở Hà Nội để sang xứ người, lại đánh thức nỗi nhớ diết da cơn gió bấc chiều nào, đẩy hai người xích lại, trao "nụ hôn đầu chúm chím cúc hoạ mi". Anh thao thức và tự hỏi lòng:
Em một mình ở thành phố đêm nay
Đón ban mai mỗi bình minh thức dậy
Có bao giờ em thương về nơi ấy
Có một người khắc khoải ngóng trông
(Mình xa nhau vào mùa đông)
Rồi có thời gian trên đất Hung-ga-ri, bên dòng Đa-nuýt mộng mơ, tác giả lại xôn xao hoài niệm, một chiều hoàng hôn buông trên màu nước biếc, lòng tiếc nuối một cuộc gặp bất chợt, nhưng tiếng thì thầm của con tim ngày ấy vẫn đi theo cho đến bây giờ:
Phải chăng là định mệnh
khoảng cách ngàn trùng xa
Thời gian mong trở lại
Chiều Đa-nuýt... ngày xa
(CHIỀU XA BU-ĐA-PÉT)
Mùa thu năm 2022, có dịp thăm lại biển Thiên Cầm trong xanh ở Hà Tĩnh, trước cảnh biển đẹp, con người hấp dẫn, bút lực Bùi Thế Đức tràn trề, sinh thành liền hai bài thơ ngợi ca cảnh sắc trữ tình giữa mây trời lồng lộng, nước biển xanh ngời, bãi cát mịn êm với em trong bộ áo tắm quyến rũ như "Nàng tiên cá":
Đàn trơi ngân trong mây
Em Thiên Cầm sóng vỗ
Nỗi niềm anh mênh mang
Đong hoàng hôn chiều tím
(BIỂN THIÊN CẦM)
Ai đong được hoàng hôn cũng như ai đong được nỗi nhớ, tình say? Đây là một trong những câu thơ gây ấn tượng, diễn đạt chiều sâu tình cảm của tác giả bước qua tuổi lục tuần. Tôi nhấn mạnh ý này để một lần nữa khẳng định sức thẩm thấu qua 37 bài thơ của Bùi Thế Đức, đã tạo nên sự dẫn dụ nhiều người, nhất là các bạn đọc trẻ tuổi về nét đẹp của tình yêu lứa đôi, tình yêu con người; góp sức truyền khát vọng sống với tất cả hi vọng, tin yêu.
Trong tập thơ này, có 3 bài tác giả viết tặng Bố, tặng Mẹ và cô con gái "diệu" khi xa nhà sang học trên đất hoa Tuylip Hà Lan. Đây là những câu thơ bình dị mà đằm thắm, nhưng thật sự gây cho tôi sự xúc động về tình cảm của tác giả với đấng sinh thành. Với lòng nhân ái, bao dung, người cha của tác giả dồn sức nuôi dạy anh thành người có ích cho xã hội; và vì vậy, tuy 12 năm Ông đã đi xa, tác giả vẫn thấy như Bố còn đây dõi theo, động viên con cháu bình yên, hạnh phúc, Tác giả canh cánh cầu mong:
Nơi nghĩa trang Bố Mẹ nằm yên nghỉ
Nén tâm nhang mong Bố Mẹ ấm lòng
(CHIỀU THU NHỚ BỐ)
Còn với người Mẹ tảo tần, "bốn lần sinh, bốn lần “sa” đắng đót", nhưng "nhờ trời thương nên nên níu mẹ với đời". Bà sinh được Bùi Thế Đức và em gái. Có lẽ hoàn cảnh đặc biệt của gia đình như vậy, đã hình thành lối sống nghĩa tình, đức khiêm nhường, cầu thị trong con người tác giả. Đặc biệt, cùng với những thăng trầm khác của đời riêng; tác giả dành hết tình yêu thương chăm chút cho các con, nhất là cô con gái đầu lòng. Đúng vào tuổi 18 trăng tròn, một niềm vui vỡ òa cả nhà khi con gái trúng tuyển vào một trường đại học bên Hà Lan. Ngày con lên đường, Bùi Thế Đức viết cho con những dòng chân chất:
Tạm biệt con thân yêu
Nơi trời Âu - đất mới
Mong con luôn khoẻ mạnh
Toại nguyện ước mơ đời!
Đúng như nhận xét của nhiều người: thơ là tiếng lòng, là sự sẻ chia mọi vui buồn nhân thế. Thành công của tập thơ này, chính là cảm xúc chân thành của Bùi Thế Đức với người, với đời - nhân tố chủ yếu làm nên "Hương vị thời gian" dễ thấm lòng người đọc.
Nồng nhiệt chúc mừng hoa trái mùa đầu của Bùi Thế Đức và mong được đón nhận sớm những ấn phẩm mùa sau với lượng mới và chất mới!
Hà Nội ngày ông Công, ông Táo
23 Tháng Chạp - Nhâm Dần