Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP từ mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại
Nhận thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, thời gian qua, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; Chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, như: Đông trùng hạ thảo, hoa lan, rau củ các loại...
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã (HTX), chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.
Chị Đặng Thị Cuối thăm vườn nho sắp thu hoạch |
Là một trong những đơn vị mạnh dạn đăng ký chương trình OCOP với sản phẩm rau hữu cơ, chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng, chia sẻ: "Rau hữu cơ là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Trước đây hợp tác xã mới chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ, lượng tiêu thụ ít, chủ yếu là bán lẻ cho người dân và một số cửa hàng trên địa bàn huyện.
Sau khi được cán bộ Phòng Kinh tế huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nên đã mạnh dạn đăng ký. Hiện nay, hợp tác xã đã trồng 5ha rau hữu cơ. Nhờ được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước. Đến nay, hợp tác xã đã có 17 sản phẩm rau hữu cơ được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp thành phố".
Không chỉ đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP ở nhóm rau, củ, trên địa bàn huyện Đan Phượng còn có mô hình trồng hoa lan theo công nghệ cao của Hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam. Đây là một trong những mô hình được coi là hình mẫu của nông nghiệp đô thị hiện đại sau 15 năm phát triển.
Hợp tác xã Đan Hoài hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hoa lan Hồ Điệp từ năm 2004 đến nay. Qua 15 năm đầu tư sản xuất, hợp tác xã đã hợp tác với nhiều đơn vị khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa lan Hồ Điệp.
Hiện tại hợp tác xã đang sản xuất khoảng 50 loại hoa lan Hồ Điệp. Đồng thời, hợp tác xã cũng tham gia nhiều dự án với đơn vị nhà nước về nghiên cứu sản xuất, tiêu thụ hoa lan chất lượng cao, quy mô công nghiệp...
Việc tham gia các dự án đã giúp hợp tác xã tích lũy kinh nghiệm về đầu tư cơ sở vật chất, năng lực khoa học công nghệ, quản lý sản xuất hoa lan Hồ Điệp. Từ đó, hợp tác xã đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa hàng loạt trong nhà kính; Đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại sản xuất theo quy mô và phương thức công nghiệp hoa lan Hồ Điệp cao cấp. Bên cạnh đó, hợp tác xã áp dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR để mã hóa sản lượng nhập kho, xuất kho, minh bạch thông tin sản phẩm hoa lưu thông trên thị trường.
Hợp tác xã Đan Hoài ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng đã xây dựng thành công thương hiệu lan Hồ Điệp mang tên "Flora Việt Nam” đạt chất lượng OCOP 3-4 sao |
Theo chị Bùi Hường Bích, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài, thời gian qua, đơn vị liên tục đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, tổng diện tích đến nay là 50.000m2. Trong đó, 2.700m2 nhà kính sản xuất giống hoa lan, 17.800m2 nhà kính sản xuất hoa thương phẩm (tăng 10.000m2 so với năm 2019).
“Mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất và cung cấp ra thị trường trong nước hơn 1 triệu cây hoa thương phẩm và cây giống, tổng doanh thu 85 tỷ đồng; Đồng thời giải quyết việc làm cho trên 40 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã có phòng nuôi cấy mô hiện đại, giúp kiểm soát được nguồn cây giống. Đơn vị cũng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng hoa và đẩy mạnh xuất khẩu hoa ra thị trường quốc tế”, chị Bùi Hường Bích chia sẻ.
Từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản
Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện đã tập trung nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Huyện đã tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình.
Các hợp tác xã đã tham gia OCOP nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chương trình OCOP gắn với xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức truyền thông, chú trọng mạng xã hội.
Tính đến hết tháng 9/2021, huyện Đan Phượng đã thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với nhiều hình thức. Các doanh nghiệp, hợp tác xã của huyện cũng tham gia nhiều chương trình do Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức như: Chợ đêm trên mây, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên nền tảng số; Xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối đối tác OCOP nhằm cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm...
Hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam khẳng định thương hiệu chất lượng sau hơn 15 năm phát triển |
Tính đến nay, huyện Đan Phượng đã có hơn 56 sản phẩm OCOP được đánh giá cao, xếp hạng từ 3-4 sao, tập trung ở nhóm thực phẩm, đồ uống và cây cảnh. Trong đó 21 sản phẩm 4 sao thuộc nhóm hoa lan Hồ Điệp, trà xạ đen, chân gà, đông trùng hạ thảo; 35 sản phẩm 3 sao thuộc nhóm rau, quả, rượu, nem phùng, khoai lang kén, bưởi. Đây cũng là nhóm sản phẩm được huyện Đan Phượng tập trung phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được nói trên, việc thực hiện Chương trình OCOP ở Đan Phượng cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự mặn mà tham gia vào chương trình; Chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP chưa nhiều; Thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa thực sự được mở rộng...
Thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, UBND huyện Đan Phượng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Phòng Kinh tế đẩy mạnh phối hợp với các xã, thị trấn để tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình OCOP.
Ðồng thời, huyện tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mặt hàng mới như: Nấm hương, nước uống đóng chai, ngũ cốc… Ngoài ra, huyện cũng định hướng xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; Tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình OCOP của huyện Đan Phượng chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả mới, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất; Phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Đưa Đan Phượng hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |