Đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
Tại hội nghị, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho biết: Đến hết năm 2020, thành phố đã đánh giá phân hạng được 1.054 sản phẩm OCOP, của 216 chủ thể. Trong đó, 4 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 731 sản phẩm 4 sao và 306 sản phẩm 3 sao, qua đó đã giải quyết và tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động ở nông thôn.
Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP đạt được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Hằng năm, mỗi quận, huyện thị xã phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Theo kế hoạch đề ra thì năm 2021 sẽ đánh giá khoảng 400 sản phẩm nhưng đến nay đã có 541 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP |
Để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ông Chu Phú Mỹ yêu cầu:“Các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố bám sát các tiêu chí đã được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/08/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để đánh giá một cách khách quan, công bằng”.
Đồng thời, ông Chu Phú Mỹ cũng chỉ đạo đối với các tất cả các sản phẩm cần nghiên cứu hồ sơ, xem xét các tiêu chí liên quan đến các sở, ngành của mình để tham gia ý kiến, bổ sung các chủ thể những nội dung chính, tuyệt đối không được nợ tiêu chí. Các chủ thể, các đơn vị tư vấn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh sản phẩm mẫu, để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng đánh giá.
Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế trên địa bàn Thành phố theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; Cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội khẳng định được uy tín, chất lượng của sản phẩm thì thông qua việc đánh giá, phân hạng của Hội đồng, các chủ thể cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Toàn cảnh Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (lần 1, đợt 1) năm 2021 cho 2 huyện Hoài Đức và huyện Quốc Oai |
Ông Nguyễn Phi Tiến, chủ thể của các nhãn hàng nước gừng xay, rượu gừng hạ thổ, gừng tươi, tinh dầu gừng, gừng mật ong (Công ty TNHH XNK Trí Đức) cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi mới phát triển từ năm ngoái, chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường nên về bao bì, hướng dẫn sử dụng… chúng tôi chưa rút được nhiều kinh nghiệm.
Hầu như những sản phẩm của chúng tôi bây giờ mới là dạng thực phẩm. Chúng tôi đang cải thiện lại về giấy phép đăng ký cơ sở để ứng dụng rõ ràng các đối tượng sử dụng sản phẩm hơn, lúc đó khách hàng nhìn vào sản phẩm thì sẽ nhận biết nhanh hơn các ứng dụng cho từng sản phẩm”.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố, Hội đồng đánh giá, phân hạng cũng xác định hai nội dung quan trọng. Theo đó, sau khi sản phẩm đã được công nhận thì sản phẩm duy trì, phát triển ra sao. "Chúng tôi sẽ tổ chức những đoàn kiểm tra các chủ thể để xem các chủ thể có thực hiện nghiêm các yêu cầu không. Những chủ thể nào mà vi phạm thì chúng tôi tham mưu báo cáo Thành phố thu hồi lại giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.
Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi cũng xác định đây là vấn đề trọng tâm. Việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương đồng thời nâng cao thu nhập ở nông thôn, thúc đẩy phát triển chương trình xây dựng Nông thôn mới", ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Bộ Tiêu chí của sản phẩm OCOP gồm ba phần Phần A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng. Hạng 5 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu. Hạng 4 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao. Hạng 3 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao. Hạng 2 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao. Hạng 1 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao. |