Huyện Gia Lâm: Nhiều mô hình chuyển đổi số hiệu quả
Tuyên truyền trọng tâm, hiệu quả
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, thời gian vừa qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và thành phố về chuyển đổi số.
Trong đó, Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND Thành phố về Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023, Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 8/2/2024 của UBND Thành phố; Kế hoạch số 138-KH/HU ngày 16/5/2023 của Huyện ủy Gia Lâm; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 30/1/2024 của UBND huyện Gia Lâm… được phổ biến tới tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức, trách nhiệm và quyết tâm cao để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm |
Các phương thức tuyên truyền đa dạng như: Tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cơ bản và kỹ năng an toàn số, phổ biến tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố về thanh toán không dùng tiền mặt…
Đặc biệt, huyện Gia Lâm đã mở chuyên mục “Chuyển đổi số” tại Cổng Thông tin điện tử huyện để cán bộ, công chức, người dân truy cập, kịp thời nghiên cứu, nắm bắt thông tin về công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06…; đôn đốc tuyên truyền đẩy về ứng dụng Công dân Thủ đô số iHanoi trên địa bàn huyện.
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền còn được thực hiện trên các trang Zalo OA “Chính quyền điện tử Gia Lâm” và fanpage của các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị khác nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Nhiều sáng kiến hay về cải cách thủ tục hành chính
Trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, huyện Gia Lâm đã có nhiều bước tiến rõ rệt. Điển hình nhất là chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính.
Huyện đã triển khai sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin (quét mã QR) đánh giá sự hài lòng tại bộ phận Một cửa. Kết quả, từ khi triển khai (tháng 7/2023) đến nay, toàn huyện ghi nhận 33.613 lượt đánh giá (cấp huyện 4.361 lượt, cấp xã 29.252 lượt); tỷ lệ ý kiến đánh giá “Hài lòng”, “Rất hài lòng” đạt 95%. Điều này mang đến chuyển biến tích cực, mang lại sự phấn khởi cho cá nhân, tổ chức đến thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn huyện.
Những đánh giá “Hài lòng”, “Rất hài lòng” từ công dân đã mang lại động lực, tinh thần phấn chấn cho cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, tạo hiệu ứng, sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về tác phong, thái độ, tận tình phục vụ Nhân dân của cán bộ; mang đến hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện trong cung cấp dịch vụ công.
Nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính ở huyện Gia Lâm đã làm người dân hài lòng |
Ngoài ra, huyện triển khai mô hình thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt. Đến nay, tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt cấp huyện đạt 95%, cấp xã đạt từ 70 - 90%.
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm Phạm Thị Hồng Hải, lợi ích của mô hình này là đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; minh bạch hóa các giao dịch thanh toán, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
“Ngoài ra, điều này còn giúp tiết kiệm thời gian làm việc của cán bộ; đảm bảo công khai, minh bạch trong các giao dịch thanh toán phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính; đảm bảo các nghiệp vụ kế toán, quản lý tài chính ngân sách khoa học, chặt chẽ, hiệu quả” - Phó chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm nhấn mạnh.
Với mô hình "Ngày thứ 3 không viết, không giấy hẹn" được triển khai từ tháng 9/2022 đến nay, toàn huyện tiếp nhận và giải quyết 60.679 hồ sơ (cấp huyện 2.257 hồ sơ, cấp xã 58.421 hồ sơ); trung bình 2.528 hồ sơ/tháng.
Người dân bấm số thực hiện thủ tục hành chính |
Những mô hình độc đáo
Trên lĩnh vực kinh tế số, huyện đã triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Mô hình“Chợ thông minh - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt" tại chợ khi 31ha, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm cũng đang phát huy hiệu quả.
Mô hình xã nông thôn mới thông minh ở Dương Xá được triển khai cũng đang cho thấy những bước đi chắc chắn, hiệu quả. Tại thôn thông minh Thuận Quang và một số địa bàn khác tại xã Dương Xá, hệ thống camera an ninh công cộng được lắp đặt khoa học, những bảng mã QR thanh toán điện tử ở nhà các hộ kinh doanh, mã QR làm thủ tục hành chính tại trụ sở Ủy ban Nhân dân.
Bà Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá cho hay, tại xã, tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị kết nối Internet với tỷ lệ cao: Tỷ lệ hộ dân sở hữu ít nhất 1 thiết bị điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet trên 96%; 100% cán bộ cán bộ xã, thôn sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet.
Đặc biệt, xã có hệ thống camera giám sát an ninh kết hợp ứng dụng phần mềm hỗ trợ giám sát thông minh với 8 hệ thống, 134 mắt camera. Người dân đã quen với việc sử dụng ứng dụng Zalo và facebook để tương tác và xử lý phản ánh về an ninh trật tự của người dân cho chính quyền xã. Các nhóm facebook "Tôi yêu xã Dương Xá", có 1.660 thành viên; nhóm Zalo "Thông tin hoạt động xã Dương Xá" thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình an ninh trật tự, kinh tế, xã hội trên địa bàn, góp phần tăng cường kết nối, tương tác giữa chính quyền và người dân trong việc tiếp nhận và giải quyết trực tiếp các vấn đề mà người dân phản ánh.
Ông Đặng Xuân Lợi - Tổ trưởng Tổ dân phố Thành Trung trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Năm 2024, huyện Gia Lâm còn thí điểm mô hình Tổ dân phố số ở Tổ dân phố (TDP) Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ. Với hơn 1.300 hộ dân, TDP này đã triển khai trang Zalo OA với sự vào cuộc mạnh mẽ của Tổ chuyển đổi số cộng đồng, trong đó đặc biệt vai trò của Tổ trưởng Tổ dân phố.
Ông Đặng Xuân Lợi - Tổ trưởng TDP Thành Trung, Quản trị viên Trang Zalo OA Tổ dân số Thành Trung cho hay, trang mới chính thức hoạt động được 1,5 tháng, nhưng đã cho thấy hiệu quả của công nghệ thông tin trong quản lý dân cư.
Hàng ngày, ông Lợi cập nhật thông tin tình hình về những vấn đề nổi bật trên địa bàn Tổ dân phố, chủ trương, việc giải quyết phản ánh của người dân về giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... trên địa bàn.
“Với tỷ lệ hơn 82% người dân từ 15 tuổi trở lên có điện thoại thông minh, việc triển khai trang Zalo OA của TDP đã mang lại hiệu quả tuyên truyền tới mọi người dân, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức cho chính bản thân tôi rất nhiều”, ông Lợi nói.
Ngoài ra, TDP Thành Trung còn lắp đặt wifi miễn phí tại Nhà văn hóa TDP Thành Trung và nơi sinh hoạt cộng đồng, lắp camera an ninh tại các trục đường nên ANTT được đảm bảo.
Ông Hoàng Đình Hoan, Trưởng thôn Thuận Quang giới thiệu về hệ thống camera được thiết lập trên các tuyến đường ở Dương Xá |
Những bước tiến tích cực đó đã cho thấy sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, đoàn thể và sự chuyển biến nhận thức của người dân. Chỉ tính riêng ngành Văn hóa huyện, đến nay đã số hóa 3D các công trình kiến trúc, di tích văn hóa, lịch sử tiêu biểu của huyện, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử; phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại trong tạo ra các chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn du khách; Hình thành bản đồ số du lịch Gia Lâm…
Với sự đầu tư về chuyển đổi số mạnh mẽ, những mô hình, sáng kiến hay, tin rằng, thời gian tới, Gia Lâm sẽ có một nền tảng công nghệ số đồng bộ, hiện đại, xứng tầm với sự phát triển của địa phương.