Huyện Thạch Thất: Điểm sáng từ Hợp tác xã nông nghiệp Đại Đồng
Chàng trai số hóa nông nghiệp 12 năm Chương trình Nông thôn mới đạt những thành tựu "to lớn, toàn diện" |
Giảm chi phí, tăng năng suất - điều khó tin nhưng có thật!
Đại Đồng là một xã thuần nông của huyện Thạch Thất. Nhiều đời nay, bà con nông dân chân chỉ hạt bột cần cù, chịu khó mưu sinh trên thửa ruộng của ông cha.
Tuy nhiên, dẫu người dân có trình độ thâm canh cao nhưng trong sản xuất vụ xuân vẫn còn chưa khắc phục được tập quán tra mạ sớm, cấy sớm, cấy dày, chưa mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật (KHKT) mới vào sản xuất.
Phương pháp cấy hàng biên đã và đang mang lại hiệu quả cao trên cánh đồng xã Đại Đồng |
Trăn trở về điều này, HTX nông nghiệp Đại Đồng đã nghiên cứu, tìm hiểu những phương pháp gieo cấy mới nhằm giảm chi phí về công lao động, giống, vật tư nông nghiệp, tăng thu nhập trên diện tích canh tác.
Vụ mùa năm 2021 là vụ đầu tiên HTX nông nghiệp Đại Đồng triển khai thử nghiệm cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên với diện tích là 1.060.m2 tại khu cầu tranh Thôn 2).
Qua tổng kết mô hình cho thấy, cấy theo hiệu ứng hàng biên giảm 30% lượng giống, 20% công làm mạ và công cấy, công chăm sóc; Giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 30% phân bón; Lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, đẻ nhánh nhanh, trổ đều, bông to, chắc hạt. Năng suất lúa tăng từ 10-20% so với cấy lúa truyền thống.
Ông Vũ Khắc An tập huấn cho xã viên về phương pháp cấy hàng biên |
Ông Vũ Khắc An (Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Đại Đồng) mừng vui cho biết: “Qua so sánh về giống và lượng phân bón đánh giá như sau: Năng suất bình quân trong toàn xã vụ xuân đạt 73 tạ/ha riêng diện tích “ Cấy hiệu ứng hàng biên” năng suất đạt 77 tạ/ha, vụ mùa năng xuất bình quân trong toàn xã năng suất đạt 61 tạ/ha riêng diện tích “Cấy hiệu ứng hàng biên” năng suất đạt 67 tạ/ha”.
Quan trọng hơn, đánh giá của phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho thấy, cấy theo hiệu ứng hàng biên tại xã Đại Đồng đã giảm 30% lượng giống, 20% công làm mạ và công cấy, công chăm sóc; Giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 30% phân bón; Lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, đẻ nhánh nhanh, trổ đều, bông to, chắc hạt. Năng suất lúa tăng từ 10-20% so với cấy lúa truyền thống.
Sức sống mới ở hợp tác xã nông nghiệp
Trong lúc nhiều hợp tác xã trong cả nước đang tìm kiếm lối đi riêng, HTX nông nghiệp Đại Đồng vẫn chứng minh được vai trò quan trọng đối với việc sản xuất cũng như đời sống của người dân địa phương.
Ông Vũ Khắc An chia sẻ, HTX nông nghiệp Đại Đồng được thành lập từ 1974 trên cở sở hợp nhất các HTX cấp thôn. Sau nhiều năm hoạt động theo mô hình cũ, từ năm 2012, HTX chuyển đổi mô hình theo luật HTX 2012 đáp ứng theo quy định.
Bà con nông dân nô nức ra đồng |
Bên cạnh ban lãnh đạo tinh gọn gồm 3 nhân sự, HTX nông nghiệp Đại Đồng có trên 3.000 xã viên thường xuyên, được tính theo cá thể. Vốn góp của cá thể là 150 nghìn đồng, tương đương vốn điều lệ khoảng 820 triệu đồng.
“Hình thức hoạt động kinh doanh hiện nay dựa trên nền tảng HTX nông nghiệp là chủ yếu, gồm các hoạt động dịch vụ cho thành viên hợp tác xã”, ông Vũ Khắc An nói thêm: “Từ làm đất, gặt, thu hoạch, gieo cấy và cung cấp phân bón vật tư, hoạt động giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Tất cả những dịch vụ đó mang lại nguồn thu trên 500 triệu đồng/năm. Như vậy đủ chi cho hoạt động của HTX - tất nhiên chi vừa phải, tiết kiệm”.
Lúa nặng bông, đời sống nông dân nhẹ nhàng hơn |
Nói về thành công bước đầu của phương pháp cấy hàng biên tại Đại Đồng, ông An tự hào khoe: “Năm 2021, trước khi bắt đầu thử nghiệm, chúng tôi đã triển khai hỗ trợ tập huấn cho xã viên - chính chúng tôi chi tiền tập huấn, từng thôn, được 250 người. Tập huấn lý thuyết và trực tiếp ra ruộng. Theo phương pháp truyền thống, khi gieo mạ thì cấy 1kg/sào, nhưng áp dụng phương pháp này thì chỉ còn 7 lạng giống/sào. Quan trọng hơn, phương pháp cấy hàng biên giảm về vấn đề nhân công, giảm về sâu bệnh. Vì thế, bà con xã viên hết sức hào hứng, nhiệt tình ủng hộ”.
Một vụ gieo trồng mới lại tới, mang theo nhiều hi vọng cho người nông dân Đại Đồng cũng như ươm mầm khát vọng đối với HTX nông nghiệp Đại Đồng. Có lẽ, với cách làm đúng đắn, sáng tạo của ông Vũ Khắc An và cộng sự, mô hình hợp tác xã nông nghiệp tại Đại Đồng một lần nữa sẽ trở thành chỗ dựa về khoa học, tổ chức và tinh thần đối với bà con nông dân.
Giữa năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, một nội dung quan trọng là phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh, khoa học - công nghệ; Đẩy mạnh các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình, thôn (xóm, làng, ấp, bản) văn hóa. |
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội |