Huyện Thanh Trì có xã đầu tiên đủ điều kiện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao
Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố (Đoàn thẩm định thành phố) đã khảo sát thực tế và thẩm định hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Từng bước thay đổi bộ mặt vùng nông thôn
Năm 2014, xã Liên Ninh đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Với quan điểm xây dựng Nông thôn mới có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, Đảng ủy, chính quyền xã liên Ninh đã ra Nghị quyết và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, vận động nhân dân cùng chung tay góp sức trên tinh thần lấy nhân dân làm chủ thể của các phong trào.
Theo đó, sau khi được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, xã luôn giữ vững và phát huy chất lượng các tiêu chí, đồng thời thực hiện các giải pháp phấn đấu đạt bộ tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Đến nay, kinh tế xã hội của địa phương có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét so với thời điểm đạt chuẩn Nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của xã ước đạt: 64,9 triệu đồng/người/năm.
Các thành viên Đoàn thẩm định thành phố khảo sát thực tế tại Cơ sở sản xuất bánh trung thu Tiến Dũng Vĩnh Thịnh Long, xã Liên Ninh |
Cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 52,2% (tăng 2,35% so với năm 2015) - Thương mại, dịch vụ đạt 41,7% (tăng 0,95% so với năm 2015) - Nông nghiệp 6,1% (giảm 3,3% so với năm 2015). Số hộ thoát nghèo trong năm 2020 là 3 hộ, hiện trên địa bàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo.nhóm tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị của xã đều nỗ lực hoàn thiện đạt chuẩn nâng cao theo quy định.
Đặc biệt, tiêu chí số 5 về trường học, toàn xã có đủ trường ở cả 3 cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Hiện xã Liên Ninh đã có hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang với 4/4 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường Mầm non Liên Ninh B đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Xã có 8/8 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; Có 7 câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời và 1 câu lạc bộ thơ ca, 9 tổ văn nghệ hoạt động hiệu quả. Đối chiếu với các tiêu chí, các thành viên Đoàn thẩm định thành phố thống nhất xã Liên Ninh đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hoàn thiện lại hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao
Sau khi đánh giá kết quả và kiểm tra thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn Phòng thường trực Văn phòng điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân xã Liên Ninh trong việc đoàn kết, cùng nhau hoàn thành các tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt là sự đoàn kết đồng lòng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn Phòng thường trực Văn phòng điều phối xây dựng NTM Thành phố phát biểu tại hội nghị |
Đoàn thẩm định thống nhất xã Liên Ninh cơ bản hoàn thành các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, với số điểm đạt 96,35 điểm. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Nguyễn Văn Chí cũng đề nghị xã Liên Ninh hoàn thiện lại hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Theo đó, xã cần bổ sung kết quả về vốn xã hội hóa trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao; Các hồ sơ minh chứng các tiêu chí đã đạt. Xã Liên Ninh nằm trong các quy hoạch phát triển đô thị, diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, tuy vậy, xã vẫn phải quan tâm khuyến khích nông dân đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... để tạo ra giá trị cao hơn.
Xã cũng cần nghiên cứu thành lập các tổ liên kết sản xuất hoặc hợp tác xã sản xuất, dịch vụ chuyên ngành để phát triển kinh tế ven đô. Về làng nghề, xã có nhiều hộ làm bánh kẹo truyền thống, cần được hướng dẫn, hỗ trợ để tham gia vào Chương trình OCOP giúp phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương và giúp người dân phát triển kinh tế. Xã cũng cần quan tâm vận động nhân dân trồng hoa, cây xanh để tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp hơn.