Huyện Trần Đề (Sóc Trăng): Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội
Ông Lưu Hữu Danh - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
PV: Xin ông cho biết khái quát về những thành tựu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II?
Ông Lưu Hữu Danh: Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô kinh tế được nâng lên, cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng. Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch có bước phát triển, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư.
Công tác xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật, được Nhân dân đồng tình, tin tưởng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội... được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Quốc phòng - an ninh được củng cố; An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả; Đoàn kết nội bộ được giữ vững; Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên.
PV: Một trong ba khâu đột phá chiến lược được huyện thực hiện khá thành công là đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ông có thể cho biết đôi nét về kết quả này?
Ông Lưu Hữu Danh: Trong 5 năm qua, huyện đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, góp phần tăng thu nhập, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông nghiệp cơ bản được hình thành, như: Vùng nuôi tôm tập trung; Cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao (chiếm trên 87% sản lượng lúa hằng năm); Vùng chuyên canh rau màu; Vùng chăn nuôi bò sữa...
Các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước được tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp - thủy sản đã phát huy hiệu quả, làm tăng năng suất, nâng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và thủy sản đạt 230 triệu đồng, đạt 117,95% chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 83 triệu đồng/ha so với năm 2015.
Ngoài ra, phong trào xây dựng Nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, tín dụng... đều có sự tăng trưởng khá và còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Huyện Trần Đề có đội tàu cá lớn nhất tỉnh Sóc Trăng |
PV: Trần Đề là một huyện có thế mạnh trong việc phát triển kinh tế biển và ven biển, vậy thế mạnh này được huyện phát huy ra sao trong 5 năm qua?
Ông Lưu Hữu Danh: Đối với kinh tế biển và ven biển, thời gian qua huyện tập trung phát triển một số ngành nghề chủ yếu, như: Khai thác biển và dịch vụ hậu cần nghề cá; Nuôi thủy sản; Du lịch...
Về nuôi trồng thủy sản, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông, điện… phục vụ nuôi tôm theo hướng công nghiệp với 2 đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân hằng năm khoảng 29.872 tấn, đạt 149,36% Nghị quyết giao. Về khai thác thủy, hải sản, toàn huyện hiện có 620 tàu; Trong đó, 339 tàu khai thác thủy sản xa bờ, 267 tàu khai thác gần bờ, 14 tàu dịch vụ hậu cần. Đội tàu đã góp phần nâng cao chất lượng khai thác thủy hải sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Tổng sản lượng thủy hải sản đạt 55.000 tấn, tăng 8.030 tấn so năm 2015 và đạt 100% Nghị quyết giao.
Huyện Trần Đề cũng triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đến nay, trên địa bàn huyện có 18 cơ sở lưu trú, 35 cơ sở dịch vụ ăn uống; 2 đơn vị đầu tư tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo và điểm du lịch sinh thái Mỏ Ó, mỗi năm thu hút trên 195.000 lượt khách tham quan; Trong đó, có trên 4.600 lượt khách quốc tế.
PV: Vậy còn kết quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ra sao, thưa ông?
Ông Lưu Hữu Danh: Công tác xây dựng Đảng được tăng cường lãnh đạo và tạo chuyển biến tích cực. Huyện ủy tăng cường lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh uỷ; Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và các quy định về nêu gương, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Huyện ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; Thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện từng khâu trong công tác cán bộ...
PV: Theo ông đâu là nguyên nhân để đạt những thành tựu trên?
Ông Lưu Hữu Danh: Kết quả có có được là nhờ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng; Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh; Sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành tỉnh; Sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy.
Các cấp ủy Đảng bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra chủ trương, kế hoạch, giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện; Đồng thời giải quyết có hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh. Trong quá trình lãnh đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; Có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong Nhân dân, tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị hướng vào mục tiêu phát triển chung của huyện.
Xin cám ơn ông!