Sóc Trăng phát triển năng lượng tái tạo và kinh tế ven biển
Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sóc Trăng, ông Võ Chí Công |
Thưa ông, qua 5 năm nhìn lại, có thể thấy kết quả nổi bật nào trong thu hút đầu tư của tỉnh Sóc Trăng?
Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh tiếp xúc, gặp gỡ và cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội đầu tư cho khoảng 635 nhà đầu tư. Qua đó, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 141 dự án (tăng 50 dự án so với nhiệm kỳ trước) với tổng vốn đăng ký khoảng 77.639 tỷ đồng (tăng 2,9 lần).
Trong đó, nhiều dự án quy mô lớn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khi đi vào vận hành và đang triển khai thực hiện như: Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, kết hợp nhà ở thương mại (Vincom); Bệnh viện Đa khoa Phương Châu; Dự án tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo; Dự án khu du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên; Các dự án điện gió…
Đặc biệt, trong tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề với quy mô 160ha, tổng vốn đầu tư 1.230 tỷ đồng.
Phải chăng năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) là tiềm năng lớn của Sóc Trăng được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, vậy kết quả thu hút đầu tư trong lĩnh vực này?
Tỉnh Sóc Trăng nằm gần đường cận xích đạo, có số giờ nắng trung bình trong năm dao động từ 2.100 - 2.300 giờ, cao nhất vào tháng 9 hằng năm, bình quân cả năm khoảng 6 - 6,5 giờ nắng/ngày. Đó là tiềm năng lớn nên tỉnh đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất (điều chỉnh) để phát triển năng lượng. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã nộp hồ sơ xin thực hiện dự án và nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư lĩnh vực điện mặt trời. Hiện nay, Sóc Trăng đang lập quy hoạch phát triển điện mặt trời trình Bộ Công thương chờ phê duyệt.
Về điện gió, đến nay các dự án trong quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 20 dự án với tổng quy mô công suất là 1.435 MW. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 12 dự án. Trong đó, giai đoạn 1 cấp cho 9 dự án với tổng công suất 262,4 MW (đã khởi công 4 dự án, còn lại 5 dự án đang hoàn chỉnh thủ tục để khởi công trong quý IV/2020); Giai đoạn 2, cấp cho 3 dự án với tổng công suất 292 MW.
Sóc Trăng còn được biết đến là tỉnh giàu tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa tín ngưỡng, ông có thể cho biết về kết quả kêu gọi đầu tư trong 5 năm qua và dự án mời gọi thời gian tới?
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã cấp quyết định đầu tư cho 4 dự án du lịch. Trong đó, 3 dự án du lịch hoàn thành và đưa vào vận hành (Dự án điểm du lịch tâm linh chùa chén kiểu tỉnh Sóc Trăng của Công ty CP Quốc tế Satraco, Dự án bến tàu Trần Đề - Sóc Trăng của Công ty CP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang và Dự án khai thác tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo của Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc Express). Dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên đã khởi công xây dựng. Hiện tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư 11 dự án trong lĩnh vực du lịch.
Tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo được đầu tư xây dựng mới để nâng cao chất lượng phục vụ du khách |
Trong chủ trương chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, Sóc Trăng tăng cường thu hút đầu tư thêm các lĩnh vực nào?
Trước hết đối với lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, từ năm 2018 đến nay tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án. Bên cạnh đó, tỉnh đang kêu gọi đầu tư 8 dự án kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Một số dự án trọng điểm được Sóc Trăng ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới là: Cảng biển nước sâu Trần Đề và các khu dịch vụ hậu cần cảng; Khu công nghiệp Sông Hậu, Khu công nghiệp Đại Ngãi, Khu công nghiệp Mỹ Thanh; Khu nông nghiệp công nghệ cao; Các nhà máy chế biến nông - thủy - hải sản, chợ đầu mối, khu đô thị.
Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện này!