Huyện Ứng Hòa: Tận dụng lợi thế xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Phát triển các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn |
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Huyện Ứng Hòa nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, được sự ưu ái của thiên nhiên để phát triển nông nghiệp. Nhận thức rõ điều này, Huyện uỷ, UBND huyện Ứng Hoà đã và đang chỉ đạo xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Với tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện là 18.818ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 13.418ha (chiếm 71% diện tích đất tự nhiên). Sản lượng, chất lượng nông sản hàng năm của huyện càng ngày càng cao.
Có thể kể đến như, diện tích lúa hàng năm đạt hơn 16.000ha, sản lượng trên 96.000 tấn (trong đó tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm khoảng 85%) nổi bật với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy ".
Diện tích cây ăn quả đạt 380ha, vùng nuôi trồng thủy sản đạt trên 4.000ha, sản lượng trên 39.532 tấn; Tổng đàn gia cầm là 2.189.540 con với đặc sản vịt Vân Đình, đàn lợn là 97.256 con. Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 ước đạt 26.050 tấn. Sản lượng trứng ước đạt 209 triệu quả, chủ yếu là trứng vịt, nổi tiếng với chuỗi trứng vịt Đông Lỗ.
Huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Nhờ tích cực chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000ha.
Có diện tích ruộng trũng và mặt nước lớn, thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, huyện Ứng Hòa đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đó để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Dưa lưới trồng công nghệ cao tại xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) |
Nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công; sản xuất đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; Nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú, Hòa Lâm; Trồng cây ăn quả ở Đồng Tiến, Phù Lưu...
Để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Ứng Hòa đã tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại xã Hòa Phú, rau an toàn tại xã Sơn Công, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản “sông trong ao” ở các xã: Trầm Lộng, Liên Bạt; hình thành các hợp tác xã dịch vụ liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhờ đó, đời sống vật chất của người dân Ứng Hòa không ngừng được nâng lên.
Được biết, huyện Ứng Hòa đang tập trung thực hiện tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, tiếp tục vận động các hộ đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, theo hướng sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường; Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất quy mô lớn; Tiếp tục đồng hành với bà con xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm đưa sản phẩm có thế mạnh của địa phương ra thị trường trong và ngoài thành phố.
Nông nghiệp công nghệ cao, gắn với du lịch
Ông Nguyễn Tiến Thiết, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà cho biết đến nay, Huyện đã có 44 sản phẩm OCOP 3-4 sao, đã được giới thiệu ở hàng chục hội chợ trong và ngoài Huyện, được người tiêu dùng tin dùng.
Ông Thiết khẳng định, thế mạnh của huyện Ứng Hòa là phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên để phát triển nền nông nghiệp hơn nữa, huyện Ứng Hòa phải thực hiện rất nhiều giải pháp trong đó cần chú trọng “Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm”. Vì OCOP là một chứng nhận, là “dấu hiệu” để người tiêu dùng nhận biết đây là sản phẩm có chất lượng, an toàn với sức khỏe. Đây cũng là điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất.
Một gian hàng tại Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023 tổ chức tại huyện Ứng Hòa |
Bên cạnh lợi thế về nông nghiệp, Ứng Hòa còn là miền quê có truyền thống lịch sử cách mạng với 433 di tích trong đó có 173 di tích được xếp hạng. Để phát huy thế mạnh về lịch sử văn hóa, ông Thiết cho biết, định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch, dịch vụ. Phát triển du lịch cũng là kênh để quảng bá các sản phẩm huyện nhà đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Vừa qua, trong chương trình “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết Du lịch Hà Nội năm 2023 tại huyện Ứng Hòa” được tổ chức với 106 gian hàng của 25 tỉnh thành và 80 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trong đó Ứng Hòa có 38 gian hàng trưng bày 36 sản phẩm OCOP và các không gian văn hóa.
Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, đây là sự động viên, khích lệ rất kịp thời để thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, sản xuất và du lịch trên địa bàn huyện Ứng Hòa nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cũng đồng tình với hướng đi của huyện.
Theo ông Dương, Ứng Hòa là nơi sở hữu hệ thống di tích và di sản văn hóa phi vật thể phong phú, mang đặc trưng của nền văn minh sông Hồng và vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Một vùng đất được thiên nhiên vô cùng ưu đãi, phù hợp với khả năng phát triển một nền nông nghiệp sinh thái toàn diện. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để huyện Ứng Hoà kết nối, khai thác thế mạnh, phát triển sản phẩm nông nghiệp, du lịch văn hoá có dấu ấn riêng.