Kết nối văn hoá dân gian qua chiếc đèn lồng giấy Dó
Nhiều hoạt động Trung thu giúp các em nhỏ hiểu rõ về văn hóa truyền thống Ý nghĩa độc đáo của loài hổ trong văn hóa dân gian Xứ sở của văn hóa dân gian đặc sắc |
Mở đầu chuỗi sự kiện “Màu ký ức” là workshop “Làm đèn lồng giấy Dó”. Đây là sự kiện để những người yêu văn hóa, yêu nghệ thuật tụ họp và cùng nhau làm ra chiếc đèn lồng độc đáo của riêng mình mà vẫn mang những nét đẹp truyền thống văn hóa. Bên cạnh việc quảng bá về chất liệu giấy Dó Việt Nam, những bức tranh dân gian quen thuộc đã đem đếm những câu chuyện về văn hóa dân tộc tại workshop.
Những sản phẩm từ giấy Dó được bày tại workshop. |
Với tài năng và kinh nghiệm dày dặn, nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người giữ nghề cuối cùng của tranh Hàng Trống đã có những chia sẻ sâu sắc về chiếc đèn lồng giấy Dó - vật không chỉ chứa đựng văn hóa truyền thống mà còn là đức tính cần mẫn, kiên trì đáng học hỏi của người Việt.
Chị Nguyễn Thị Hữu và nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ về những dòng tranh dân gian truyền thống. |
"Vẽ tranh Hàng Trống cực kỳ công phu, mất nhiều công sức, thời gian và phải qua nhiều công đoạn, bởi vậy có thật yêu và đam mê mới làm được. Trước đây, đã có lúc giới trẻ nhìn nhận dòng tranh này chỉ dành cho người lớn tuổi, hoài niệm về ngày xưa. Tuy nhiên, mọi thứ đã khác, rất nhiều bạn trẻ, hứng thú với dòng tranh này", nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ.
Những người tham gia vô cùng hào hứng khi được trực tiếp "vờn màu" cho bức tranh. |
Lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ của mỗi người, sự kiện lựa chọn 6 mẫu tranh truyền thống theo chủ đề các trò chơi dân gian của Việt Nam để chuyển thể lên những bộ đèn lồng như: Bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây,…
Các bạn nhỏ thoả sức sáng tạo chiếc đèn lồng của mình. |
Dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân, những người yêu văn hóa, yêu nghệ thuật tham gian đã được trải nghiệm quy trình làm đèn lồng giấy Dó thủ công tinh tế và lưu giữ những nét đẹp truyền thống.
Điểm màu cho bức tranh. |
Để tạo nên những bức tranh dân gian hàng trống không dễ dàng, người vẽ phải trộn, tìm ra màu sắc bắt mắt nhất rồi dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tuỳ theo nội dung, đường nét và các loại tranh.
Chị Nguyễn Thị Hữu hướng dẫn các bạn trẻ dán tranh lên khung đèn lồng. |
“Em là một người rất yêu thích về nghệ thuật và đặt biệt là nghệ thuật truyền thống văn hoá Việt Nam. Đến tham dự workshop, ngoài được trực tiếp làm đèn lông, em cũng hiểu biết thêm về các dòng tranh dân gian qua lời chia sẻ của nghệ nhân làm nghề”, bạn Nguyễn Hồng Thuý chia sẻ khi đang tự tay vẽ, điểm màu và hoàn thành công đoạn dán tranh trên đèn lồng.
Các bạn trẻ chụp ảnh với sản phẩm mình làm ra tại workshop |
Chuỗi sự kiện “Màu ký ức” vẽ tranh và làm đèn lồng sẽ được MOC và Area 75 tổ chức vào chủ nhật hàng tuần đến ngày 15/9 tại số 75 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Hữu, người sáng lập dự án MOC bày tỏ: “Chúng tôi không chỉ tạo ra sản phẩm, mà còn kể lại câu chuyện văn hóa Việt qua từng chiếc đèn lồng giấy Dó. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, từ chất liệu giấy truyền thống, đến những nét vẽ, màu sắc tinh tế. Chúng tôi tin rằng, mỗi chiếc đèn lồng mang lại không chỉ ánh sáng mà còn cả hồn cốt của nghệ thuật dân gian”.