Xứ sở của văn hóa dân gian đặc sắc
Việt Nam - Vùng đất con người, văn hóa, thiên nhiên hấp dẫn Kiên Giang phát triển thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia |
Toàn tỉnh hiện có trên 160 di tích, với nhiều loại hình được phân bố ở khắp các huyện, thành phố, tập trung nhiều nhất là ở Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc, U Minh Thượng. Trong đó, 56 di tích được xếp hạng (1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh); 38 di tích lịch sử, 7 di tích kiến trúc nghệ thuật, 9 di tích danh lam thắng cảnh và 2 di tích khảo cổ học.
Bên cạnh đó, vùng đất này là một kho tàng của di sản văn hóa phi vật thể, phản ánh qua lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công, ngôn ngữ và chữ viết dân tộc, cùng với tri thức và văn hóa dân gian. Đây là nguồn tài nguyên quý báu đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của văn hóa miền Tây Nam Bộ.
Kiên Giang là tỉnh có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, với sự giao thoa của nhiều dân |
Những di tích ở Kiên Giang gắn liền với những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc, như đình thần Nguyễn Trung Trực - nơi ghi dấu chiến công lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, quần thể lăng Mạc Cửu - nơi an nghỉ của vị khai quốc công thần của đất Nam Bộ... Những di tích này không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn mà còn là những địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Mỗi di tích đều gắn với di sản văn hóa truyền thống lâu đời. Đình thần Nguyễn Trung Trực gắn với di sản văn hóa đờn ca tài tử. Quần thể lăng Mạc Cửu gắn với di sản văn hóa Khmer... Những di sản văn hóa này không chỉ góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của Kiên Giang mà còn mang giá trị tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc.
Toàn cảnh quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa núi Bình San, nằm cạnh chân núi là lăng Mặc Cửu. |
Đồng thời, mỗi di tích của Kiên Giang còn là bảo tàng sống thực hành di sản văn hóa truyền thống. Theo đó, tại các di tích lịch sử, văn hóa, một số lễ hội được quan tâm đầu tư nâng cấp, đã thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan như: Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; lễ hội kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các; lễ giỗ Mạc Cửu ở thành phố Hà Tiên; lễ kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng (Chị Sứ), huyện Hòn Đất; lễ kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng LVTND Mai Thị Nương (Mai Hồng Hạnh), huyện Giồng Riềng; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer, huyện Gò Quao; lễ hội Nghinh Ông - Lại Sơn - Kiên Hải.
Làng nghề truyền thống là một phần quan trọng trong văn hóa và du lịch. Kiên Giang là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống có giá trị du lịch, tiêu biểu là: Nghề nắn nồi; nghề đan bàng Phú Mỹ; nghề đan lục bình; chế biến nước mắm; nghề trồng tiêu; rượu sim, rượu nếp; nghề nuôi trồng, chế tác và mua bán ngọc trai Phú Quốc; dệt chiếu Tà Niên; chế tác đá huyền, đồi mồi Hà Tiên... làm đa dạng các sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm, mang nét đặc trưng của vùng đất Kiên Giang.
Cô gái Khmer trong điệu múa dân tộc |
Vùng đất Kiên Giang còn là nơi giao thoa của nhiều dân tộc, bao gồm Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, tạo nên kho tàng di sản văn hóa dân gian vô cùng đa dạng. Từ đó, Kiên Giang trở thành xứ sở của nền văn hóa dân gian đặc sắc với các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bộ, múa lân của người Hoa; hát dù kê, múa rom vong, lâm-lêu của người Khmer; đờn ca tài tử, cải lương, dây đàn Rạch Giá của người Kinh; hò thẻ mực...
Các loại hình nghệ thuật truyền thống của Kiên Giang không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc, mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Không chỉ đắm chìm trong lịch sử và văn hóa, ẩm thực của Kiên Giang cũng rất phong phú. Các món ăn tinh túy kết hợp với đặc tính văn hóa vùng đất và con người nơi đây đã hình thành nên một số đặc trưng, nổi bật của văn hóa ẩm thực và sản vật Kiên Giang, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa ẩm thực và sản vật Việt Nam. Một số món ăn mang đậm nét đặc trưng như: Bún quậy Phú Quốc, bánh canh ghẹ Hà Tiên, gỏi tép đất Nam Bộ, xôi tím ghẹ Hàm Ninh…
Sản xuất nước mắm Phú Quốc |
Đến nay, tỉnh tạm thời ghi nhận 317 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia được công nhận là “Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nghề làm nước mắm Phú Quốc” và “Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”.
Đây không chỉ là những tài nguyên quý giá để khách du lịch tìm hiểu về văn hóa độc đáo mà còn là cơ hội để cộng đồng địa phương phát triển bền vững thông qua việc bảo tồn và phát huy giá trị của mình.
Với những danh lam thắng cảnh thơ mộng và kỳ vĩ, cùng với một kho tàng di sản văn hóa phong phú về số lượng, độc đáo về nội dung, đa dạng về loại hình, Kiên Giang đang là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách. Nhân dân Kiên Giang tự hào với những giá trị mà cha ông để lại, xem đó như động lực mạnh mẽ để xây dựng và phát triển quê hương của mình, giữ gìn và phát huy tinh thần "đất và người Kiên Giang hùng cường".