Khắc phục hậu quả đại dịch, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 của Hà Nội Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng cuối năm Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2021 của Ngân hàng UOB |
Sáng 22/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Chính phủ đã bám sát quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cập nhật, bổ sung tình hình, tác động của đại dịch Covid-19, nhất là từ đầu năm 2021.
Trong đó, mục tiêu tổng quát được đặt ra là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
“Chính phủ cũng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trong quá trình phát triển, đất nước luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Tăng cường quốc phòng, an ninh; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; Đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; Bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Trong đó, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; Khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho Nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.
Trong 5 năm tới, Chính phủ cũng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát triển kinh tế số, xã hội số; Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế còn tồn đọng, kéo dài, tạo nguồn lực phát triển.
Chính phủ cũng đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm và những vùng còn khó khăn; Thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, logistics...; Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; Không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; Phát huy hơn nữa ngoại giao văn hoá, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Báo cáo thẩm tra về kế hoạch trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ các chỉ tiêu hằng năm cần phấn đấu đạt cao hơn; Đề nghị trong điều hành cần quan tâm một số chỉ tiêu cụ thể: Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chi phí logistics, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, tỷ lệ nội địa hóa, báo cáo rõ về phương pháp xác định đối với chỉ tiêu kinh tế số so với GDP…