Khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV với chủ đề “Ngọc Linh mời gọi”
Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV năm 2022 với chủ đề “Ngọc Linh mời gọi” |
Tham dự lễ khai mạc các ông: Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo sở, ngành tỉnh Quảng Nam; Cùng đại diện lãnh đạo các các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Lào Cai, Yên Bái.
Đặc biệt, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV năm 2022 còn có sự tham dự của đoàn công tác quận Hamyang (Hàn Quốc).
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV năm 2022 phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV cho biết, cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đã có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh của huyện Nam Trà My và huyện Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum. Đây là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích. Sâm Ngọc Linh được coi là “vàng xanh” của những vùng đất này.
Các đại biểu tham dự khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV năm 2022 |
Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia. Quốc hội cũng đã đưa cây sâm Ngọc Linh vào loại cây trồng chủ lực trong Khung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại tỉnh Quảng Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh |
Hiện nay, huyện Nam Trà My có diện tích quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh trên 15.000ha. Huyện đã thực hiện bảo tồn được 100ha, tương đương với 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.500ha với hơn 1.250 hộ tham gia.
Trong những năm qua, giá trị cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên; các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư, nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm và sản xuất sản phẩm từ sâm nhằm nâng cao hơn nữa giá trị dược liệu và giá trị kinh tế của loài cây này.
Nghi thức lễ cúng thần sâm |
Bên cạnh đó, đồng bào trên địa bàn huyện đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.
Với chủ đề “Ngọc Linh mời gọi”, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV diễn ra từ ngày 1 đến 3/8/2022 nhằm quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài nước loại cây dược liệu quý, hiếm của nước ta; Từ đó, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, sánh ngang những loại sâm trên thế giới như: sâm Hàn quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada…
UBND huyện Nam Trà My tặng giấy khen cho các nhà tài trợ |
“Đây là cơ hội quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho ngành dược liệu, nông nghiệp sạch của huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Việc tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh đã đáp ứng lòng mong đợi, sự kỳ vọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, thể hiện sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm về tổ chức sự kiện, xây dựng thương hiệu; Đặc biệt là thương hiệu sản phẩm quốc gia”, ông Trần Duy Dũng nhấn mạnh.