"Khám phá" chiến lược giáo dục của ngôi trường có hơn 300 học sinh đỗ vào lớp 10 chuyên
Đổi mới giáo dục phổ thông... không để học sinh học chay Bộ GD&ĐT họp báo thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Lịch sử là môn học bắt buộc ở trường phổ thông với thời lượng 52 tiết/năm học |
Mỗi thầy cô là một tấm gương
Những ngày đầu tháng 7, kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 ùa về khiến thầy trò THCS Giảng Võ vô cùng hân hoan.
Trong đó, em Phạm Gia Khánh, học sinh lớp 9A1, với thành tích xuất sắc trúng tuyển 6 nguyện vọng vào các trường công lập hàng đầu của thành phố Hà Nội là nét chấm phá trong bức tranh đầy màu sắc của trường. Bên cạnh đó, hơn 300 lượt học sinh trường THCS Giảng Võ đỗ chuyên và cận chuyên, 11 học sinh đỗ từ 5 nguyện vọng...
Trường THCS Giảng Võ coi vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thái độ sống đặc biệt quan trọng bên cạnh kết quả học lực của học sinh |
Vui, tự hào và hạnh phúc về các học trò, cô Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ - cho biết đó là “quả ngọt” từ nỗ lực trong dạy và học theo hướng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thái độ sống. Trường THCS Giảng Võ coi vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thái độ sống đặc biệt quan trọng bên cạnh kết quả học lực của học sinh.
“Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thái độ sống còn được coi là động lực, là điểm tựa để đạt được kết quả học tập tốt trong nhà trường. Đây cũng là nguồn sức mạnh, chìa khóa then chốt của nhà trường để đảm bảo phát triển toàn diện cả trí tuệ, nhân cách của học sinh…”, cô Hà nhấn mạnh.
Đặc biệt trong 3 năm gần đây, trường THCS Giảng Võ hoàn toàn không xảy ra bất cứ vụ bạo lực học đường nào.
“Để đạt kết quả như vậy, thứ tư hằng tuần, Ban Giám hiệu nhà trường có công khai lịch tiếp công dân, phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, bất kì học sinh nào cũng có thể viết thư cho cô Hiệu trưởng và gửi vào các hòm thư được đặt tại nhiều nơi trong khuôn viên nhà trường.
Công tác tư vấn học đường cũng được nhà trường triển khai thường xuyên, cụ thể. Hằng tuần, phòng tư vấn tâm lý học đường sẽ thống kê, ghi chép lại các vụ việc để có căn cứ giải quyết, xử lý các vấn đề tiếp nhận được từ học sinh…”, cô Hà nói thêm.
Với trường THCS Giảng Võ, mỗi người thầy ngoài việc dạy học và truyền tải kiến thức cho các em học sinh thì còn cần thấu hiểu, nắm rõ tâm tư tình cảm của các em. Từ đó, các thầy cô trở thành tấm gương đạo đức, lối sống gần gũi, dễ hiểu để học sinh noi theo.
Tấm gương của người thầy chỉ là những hành động đơn giản như: Thầy cô đến trường dạy học đúng giờ, chủ động tham gia và đóng góp ý kiến cho các câu lạc bộ của học trò, tình nguyện vệ sinh trường học cùng các em để gắn kết tình thầy - trò…
“Vấn đề mâu thuẫn, va chạm trong học sinh là điều khó tránh khỏi. Do đó, các giáo viên của nhà trường đều chủ động lắng nghe, thấu hiểu và tháo gỡ khúc mắc một cách hài hoà, hợp lý nhất. Thầy, cô luôn phải cố gắng hướng tới sự công bằng. Đó là nhiệm vụ cốt lõi mà không thể xem nhẹ…”, cô Hà nhấn mạnh.
Cội nguồn của thành công
Còn cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ, phấn khởi chia sẻ những con số ấn tượng của kỳ thi vừa qua rất ý nghĩa trong một năm học đặc biệt - năm học chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Cô trò trường THCS Giảng Võ trong một tiết học |
“Điều này là minh chứng sinh động cho sự nỗ lực của cả thầy và trò, làm ấm lòng phụ huynh, học sinh và góp phần làm rạng rỡ thêm những trang vàng truyền thống của nhà trường…”, cô Yến nói.
Theo lãnh đạo trường THCS Giảng Võ, những kết quả đạt được trong thời gian qua xuất phát từ nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là học sinh có tư chất tốt; Tiếp theo là sự quan tâm phối hợp đồng hành của phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đó, mỗi thành viên nhà trường đều không chỉ thực hiện các nhiệm vụ nghề nghiệp đơn thuần mà làm việc bằng trách nhiệm, đam mê, sự tự giác và sự tự trọng. Làm việc bằng mong muốn gắn kết các thành viên lại với nhau, mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh. Cộng hưởng những yếu tố đó, kết quả thành công ngày hôm nay sẽ khiến phụ huynh học sinh, học sinh hài lòng, nhà trưởng cảm thấy tự hào và hạnh phúc.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, phòng có mô hình “Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh trên địa bàn quận Ba Đình” được phụ huynh học sinh, thầy cô đánh giá cao.
Theo đó, mô hình triển khai cụ thể trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo.
Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã tổ chức các hoạt động tập huấn; các chuyên đề giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, thái độ sống cho học sinh với sự tham gia của học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý; Kết quả công tác tập huấn với hơn 6.000 lượt người tham gia.
Học sinh trường THCS Giảng Võ chia sẻ tại diễn đàn "Điều em muốn nói" |
Trong chương trình học, ngành GD&ĐT Ba Đình đổi mới nội dung, hình thức dạy học môn Đạo đức, GDCD thông qua buổi tọa đàm về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Phòng GD&ĐT phối hợp với Công ty Vietfuture tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Cha mẹ thông thái” cho hơn 1.000 phụ huynh, trên 500 cán bộ giáo viên Trường THCS Phúc Xá và THCS Thống Nhất.
Đồng thời, chương trình được livestream trên fanpage chia sẻ tới phụ huynh cấp tiểu học và THCS trên địa bàn quận. Ngoài ra, nhiều chương trình tọa đàm giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học tập cho các em sau thời kỳ nghỉ học trực tiếp vì dịch bệnh như: “Học tập đa giác quan” triển khai tại các trường THCS Thực Nghiệm, Thăng Long, Thành Công, Ba Đình với hơn 4.000 học sinh tham gia... và tiếp tục được kết nối tổ chức trong năm học 2022-2023.
Trong Kỳ thi vào lớp 10 THPT, trường THCS Giảng Võ có 899 học sinh dự thi thì hơn 300 lượt học sinh đỗ chuyên và cận chuyên; 62 học sinh đạt 45 điểm trở lên (trung bình 9,0 /môn); 239 học sinh đạt 43,25 điểm trở lên chiếm 26,6% học sinh của nhà trường tham gia kỳ thi vào lớp 10 THPT.
Với số điểm cao, em Phạm Gia Khánh, học sinh lớp 9A21, đã xuất sắc trúng tuyển 6 nguyện vọng vào các trường THPT công lập gồm hệ không chuyên và lớp chuyên Lý của trường THPT Chu Văn An cùng các lớp chuyên Pháp, chuyên Nga, chuyên Trung và song ngữ tiếng Pháp trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ngoài ra, trong tổng số 14 học sinh trúng tuyển 5 nguyện vọng của thành phố Hà Nội thì có 11 em là học sinh của nhà trường.
Các tập thể lớp 9A8, 9A1, 9A6 là những tập thể lớp tiêu biểu với điểm trung bình chung của môn tiếng Anh là 9,59 (lớp 9A8); Môn Toán là 9,0 (lớp 9A1); Ngữ văn 8,05 (lớp 9A6).
Đặc biệt, lớp 9A21 có 1 học sinh trúng tuyển 6 nguyện vọng và 10 học sinh trúng tuyển 5 nguyện vọng vào lớp 10 THPT.