Khẳng định vị thế hàng đầu về công nghệ, đổi mới sáng tạo
Đó là nhận định của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, tại hội nghị tổng kết Chương trình, diễn ra sáng nay (3/4).
![]() |
Đại biểu dự hội nghị |
Phát triển thị trường KHCN, triển khai mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 5 năm qua, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Các cấp, các ngành cũng đã quan tâm triển khai nhiều nhiệm vụ về KHCN&ĐMST qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Ban chỉ đạo Chương trình 07 đã ban hành các kế hoạch hoạt động định hướng hàng năm, thường xuyên tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ nhờ đó kịp thời có các chỉ đạo triển khai sát với thực tiễn.
TP Hà Nội đã khẳng định được vị thế trung tâm hàng đầu cả nước về KHCN&ĐMST, luôn đứng trong nhóm dẫn đầu về nhiều chỉ tiêu, chỉ số như: Số lượng công bố quốc tế; số lượng sáng chế đăng ký và được cấp; số lượng doanh nghiệp KHCN.
Hà Nội liên tục là địa phương đứng đầu cả nước trong xếp hạng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2022 (đánh giá thử nghiệm bộ chỉ số), năm 2023 và năm 2024 (đánh giá chính thức). Xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh cũng đã có bước tiến vượt bậc.
Đã có 4/7 chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành. Các chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp; tỷ trọng kinh tế số tuy có khả năng không hoàn thành nhưng do yếu tố khách quan và cũng đều đạt mức cao so với bình quân của cả nước.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ; điển hình trong sản xuất nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ngân sách cho KHCN&ĐMST được bảo đảm, đồng thời thu hút được nhiều nguồn lực khác từ các Viện, Trường, tổ chức khoa học và công nghệ của Trung ương, các doanh nghiệp cho phát triển KHCN trên địa bàn TP.
Các hoạt động phát triển thị trường KHCN, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động nổi bật, thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Trung ương, TP và các địa phương khác trong cả nước.
Hoạt động chuyển đổi số được triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đã tạo dựng được hạ tầng số, phát triển nền tảng số, đào tạo nhân lực số để làm cơ sở vững chắc cho chuyển đổi số của TP.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Với những thành tựu đã đạt được, Chương trình đã tạo ra nền tảng quan trọng cho việc phát triển KHCN&ĐMST trong giai đoạn 2025 - 2030.
Vận hành hiệu quả các khu công nghệ cao
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong nhiệm kỳ Đại hội XVII, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác, trong đó lần đầu tiên, ban hành Chương trình số 07-CTr/TU với 7 chỉ tiêu, phân công thực hiện 32 nhiệm vụ, đề án, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc |
Đồng chí Nguyễn Văn Phong ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị trong triển khai Chương trình số 07-CTr/TU thời gian qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu về phát triển KHCN& ĐMST từng bước được nâng lên.
Vì thế, TP đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó, khẳng định được vị thế trung tâm hàng đầu cả nước về KHCN, ĐMST. Phát triển KHCN&ĐMST, chuyển đổi số đã đóng góp tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của TP theo hướng ngày càng hiện đại, các dịch vụ chất lượng cao ngày càng tăng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu ví dụ thành công của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội với việc triển khai ứng dụng iHanoi (Công dân Thủ đô số) và mới đây, Thành ủy Hà Nội triển khai các ứng dụng chuyển đổi số dùng chung 3 cấp trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể TP.
Đây là bước đi đột phá, thể hiện tinh thần tiên phong, gương mẫu của Đảng bộ TP Hà Nội trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ và Quyết định số 204-QĐ/TƯ. Đây là lần đầu tiên, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành danh mục các ứng dụng chuyển đổi số dùng chung 3 cấp trong các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh cần nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế cũng như trách nhiệm của TP khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, để từ đó có một quyết tâm và cách thức triển khai phù hợp hơn.
Trong bối cảnh Đảng bộ TP đang chuẩn bị Đại hội lần thứ XVIII, phát triển KHCN và ĐMST tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo với những chỉ tiêu cụ thể.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, để cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, cần phát huy được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu về KHCN để ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời, vận hành hiệu quả các khu công nghệ cao, trong đó có Khu công nghệ cao Hòa Lạc và sớm khởi công xây dựng Khu công nghệ cao sinh học tại quận Bắc Từ Liêm. Đây là "quả đấm thép", động lực quan trọng để Hà Nội phát triển trong tương lai.
![]() |
Quang cảnh hội nghị |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TƯ. Trong đó, các đơn vị tập trung số hóa toàn bộ số liệu, tài liệu trước khi các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động dự kiến từ ngày 1/7. Hoạt động số hóa này do Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội chủ trì và hỗ trợ.
Các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng được mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, tổ giúp việc trong và ngoài nước để tư vấn, tham khảo kinh nghiệm phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số của quốc tế cũng như trong nước để triển khai Chương trình số 07-CTr/TU hiệu quả.
Đồng thời, thay đổi cách thức trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng KHCN và sử dụng kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào thực tiễn. TP tích cực triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và công dân số, qua đó đáp ứng được yêu cầu thực tiễn chuyển đổi số hiện nay.
Tin liên quan
Đọc thêm

Thách thức khi triển khai vé điện tử liên thông theo mô hình MaaS

Samsung Solve for Tomomorrow - thắp lửa đam mê công nghệ

Bổ sung nhiều tính năng mới trên ứng dụng iHanoi

VinBigdata mở đăng ký khóa Kỹ sư AI miễn phí mùa 6

“Xóa mù” công nghệ số: Nhiệm vụ chiến lược trong kỷ nguyên mới

MobiFone nâng tầm trải nghiệm với dịch vụ công trực tuyến và công nghệ chặn cuộc gọi rác

Hà Nội thí điểm hệ thống đa kênh hỗ trợ thành lập doanh nghiệp

Ngành Giáo dục Hoàn Kiếm tiên phong trong hành trình chuyển đổi số

Tỉnh Long An và Vingroup hợp tác chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững
