Khi báo chí đồng hành cùng cơ sở…
Lời cảm ơn của Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam Phóng viên và bài học “giữ mình” Chuyện làm phóng viên du lịch |
Mỗi lần đến cơ sở là một câu chuyện
“Alo, nhà báo à, ngày mai có chương trình gì không? Mời nhà báo cùng phối hợp với anh em CSGT làm chuyên đề nồng độ cồn nhé!”. Đó luôn là câu mở đầu của cuộc điện thoại giữa tôi và cán bộ tuyên truyền của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội.
Lời mở đầu thân tình ấy khiến tôi vội “load” ngay chương trình ngày mai để kịp trả lời cho cán bộ yên tâm. Ấy là mỗi khi có chuyên đề, có chỉ đạo của cấp trên hoặc chỉ đơn giản là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng CSGT trong những ngày này ở Hà Nội.
Phóng viên đồng hành cùng CSGT, Công an TP Hà Nội thực hiện chuyên đề nồng độ cồn |
Tôi còn nhớ, gần đây nhất là việc phối hợp tuyên truyền với Đội CSGT số 4 triển khai chuyên đề nồng độ cồn ở ngã tư Kim Ngưu - Thanh Nhàn. Khi ấy, khoảng chục phóng viên của các tờ báo Trung ương và địa phương cùng tập trung về ngã tư này theo lời mời nhiệt thành của cán bộ tuyên truyền quen thuộc. Mặc dù ngoài trời nắng nóng như đổ lửa nhưng các cán bộ chiến sĩ vẫn tập trung triển khai phương án, phóng viên thì miệt mài tác nghiệp.
Mọi việc diễn ra thuận lợi. Cán bộ, chiến sĩ CSGT hoàn thành nhiệm vụ nhắc nhở, tuyên truyền cho hàng chục trường hợp, xử phạt 5 trường hợp, trong đó 3 trường hợp có nồng độ cồn vượt ngưỡng. Trong khi đó, các nhà báo, phóng viên thì thu thập được nhiều thông tin hay, hình ảnh đẹp để phục vụ bài viết của mình.
Hay như việc phối hợp của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô với phường Nhật Tân, quận Tây Hồ để tuyên truyền, phản ánh hoạt động cưỡng chế di dời tàu thuyền cũ nát ra khỏi Hồ Tây theo chỉ đạo của TP Hà Nội. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của phường, quận trong những tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, đây cũng là nội dung rất nhạy cảm vì nhiều đối tượng lợi dụng điều này để xuyên tạc, gây khó dễ cho công tác di dời. Chính sự cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, tạo điều kiện để phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường đã khiến những bài viết sinh động, phản ánh được nỗ lực của lực lượng chức năng và thực tế khách quan. Báo Tuổi trẻ Thủ đô là số ít đơn vị trực tiếp phối hợp với phường, quận thực hiện nội dung trên nên đã được TP đánh giá cao khi có những tác phẩm chân thực, đồng hành cùng cơ sở.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc tạo được hiệu quả thiết thực từ sự phối hợp, đồng hành giữa báo chí với cơ sở. Thực tế cũng chứng minh, nếu phóng viên phối hợp nhịp nhàng với cơ quan chuyên môn, UBND các cấp, doanh nghiệp… thì bài báo vừa có tính chân thực, góp tiếng nói phản ánh sự thật, định hướng được dư luận và chính đơn vị được phản ánh cũng có điều kiện nói về mình, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường |
Ví như việc, những năm gần đây, báo Tuổi trẻ Thủ đô tích cực phối hợp với BHXH Việt Nam, BHXH TP Hà Nội để tuyên truyền chủ trương, chính sách, hoạt động của ngành bảo hiểm... Qua đó, công tác truyền thông giúp người dân cập nhật đầy đủ các chính sách, quyền lợi liên quan; Giúp đưa chính sách bảo hiểm của Nhà nước ngày càng gần dân, sát dân; Hay như việc các cơ quan báo tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an TP Hà Nội cập nhật nhanh chóng, chính xác các thông tin an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và kịp thời lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo người dân cẩn trọng trước những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, sự chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản…
Đối với doanh nghiệp, việc đồng hành, tuyên truyền trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cũng đã góp phần giúp đơn vị nói lên kiến nghị, đề xuất để các cấp, ngành chức năng có chỉ đạo, điều hành, kịp thời vượt quá khó khăn.
Nỗi lo của phóng viên khi “độc hành”
Nhiệm vụ của nhà báo, phóng viên là “săn tin”. Tuy nhiên, tin tức có hay, “độc” đến thế nào đi chăng nữa cũng sẽ mất đi ý nghĩa, tính xác thực nếu không có sự đồng hành cùng cơ sở.
Thực tế đã chứng minh, tác phẩm hay là phải giải quyết được vấn đề đặt ra. Khi nhà báo phát hiện đề tài, được cơ sở phối hợp cung cấp thông tin, giúp giải quyết vấn đề… thì tác phẩm sẽ hoàn chỉnh.
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi lại hình ảnh cán bộ Đội CSGT số 4 đo nồng độ cồn theo chuyên đề |
Không thể phủ nhận, thời gian qua, một số đơn vị báo chí hoạt động có hiệu quả nhờ sự giúp đỡ, đồng hành tích cực từ cơ sở. Qua đó, các cơ quan báo chí có được thông tin khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội và mọi mặt đời sống.
Trong quá trình tác nghiệp, “nỗi lo” của phóng viên, nhà báo đó là rất nhiều vụ việc người làm báo sai phạm bị phát giác khiến cho cơ sở giảm sút niềm tin với những người làm nghề chân chính. Những “con sâu làm rầu nồi canh” khiến cơ sở thận trọng hơn, thậm chí tới mức “làm khó”, không hợp tác với báo chí.
Những hình ảnh chân thực được phóng viên ghi lại trong quá trình cưỡng chế tàu cũ nát khỏi hồ Tây |
Nhiều phóng viên, nhà báo vì toan tính vụ lợi cá nhân có thể “bẻ cong ngòi bút” theo hướng có lợi cho bản thân và trở thành “nỗi kinh hoàng” của không ít tổ chức, cá nhân. Trong thực tế, không ít cá nhân, đơn vị vì “cả nể” hay vì một lý do gì đó còn e ngại, chưa dám tố giác các trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi bất chính. Điều này đã tạo rãnh ngăn giữa báo chí và cơ sở, đôi khi khiến phóng viên phải “độc hành” rất lâu mới đưa được những tác phẩm của mình đến đích.
Thiết nghĩ, để cơ sở tin tưởng, đồng hành cùng báo chí, trước hết, các cơ quan báo chí đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền cho người làm báo trong đơn vị mình hiểu rõ về Luật Báo chí và 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Qua đó, các phóng viên, nhà báo tác nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Báo chí, đạo đức người làm báo cũng đồng thời nâng cao hiểu biết của cộng đồng về vấn đề này, nhằm bảo vệ và tạo điều kiện cho phóng viên hoạt động nghiệp vụ đúng quy định của pháp luật.