Rà soát công tác quy hoạch, quản lý đất đai khu vực bãi sông
Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm tình trạng xây dựng nhà xưởng tràn lan ngoài bãi sông Hồng Giải pháp "mạnh" giúp Tây Hồ quản lý đất bãi sông Hồng Làm giàu trên đất bãi sông Hồng |
Quang cảnh phiên giải trình |
Vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra tại khu vực bãi sông, ngoài đê còn nhiều
Khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng và sông Đuống đoạn đi qua TP Hà Nội có tổng diện tích khoảng 23.551ha, thuộc 17 quận, huyện và thị xã Sơn Tây, liên quan đến khoảng 363.987 nhân khẩu. Trong đó tuyến sông Hồng có khoảng hơn 339.000 người, gồm 86.056 hộ dân; tuyến sông Đuống có 24.585 nhân khẩu, với 6.022 hộ gia đình).
Tổng chiều dài tuyến đê sông Hồng đoạn qua địa bàn TP Hà Nội dài 130km (trong đó tuyến đê phía bờ hữu dài 114,089 km, phía bờ tả dài 48,781km). Tổng chiều dài tuyến đê sông Đuống đoạn qua địa bàn TP dài 22km (trong đó đê phía bờ hữu dài 21,5km, phía bờ tả dài 22,5 km).
Giám sát của HĐND TP cho thấy: Số lượng vi phạm thuộc lĩnh vực đất đai (đất nông nghiệp và đất công ích, đất công trên địa bàn các quận huyện) qua công tác thanh tra, kiểm tra của Sở TN&MT còn nhiều.
Kết quả xử lý, khắc phục từ 1/1/2023 đến 31/12/2023 được 2.596 trường hợp với diện tích 74,2579ha; nâng kết quả xử lý được 38.524 trường hợp với diện tích đất vi phạm đã khắc phục là 1.294,24ha (đạt 61,52% số trường hợp vi phạm phải được xử lý, khắc phục theo kết luận thanh tra).
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương nêu câu hỏi tại phiên giải trình |
Ngoài ra, qua khảo sát thực tế của Thường trực HĐND TP, hiện nay có một số khu vực đất xâm canh bị lấn chiếm, sử dụng không phép, các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, phối hợp quản lý.
Kết quả giám sát cũng cho thấy số vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra tại khu vực bãi sông, ngoài đê còn nhiều; việc xử lý chưa dứt điểm, cụ thể. Tổng số liệu vi phạm của các quận, huyện theo báo cáo là 390 trường hợp (bao gồm cả vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đê điều, hành lang thoát lũ) đã xử lý được 252 trường hợp, còn tồn 148 trường hợp.
Còn nhiều vướng mắc
Tại phiên giải trình, các đại biểu HĐND TP đã truy cứu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng các cá nhân, tổ chức tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất công, đất nông nghiệp công ích chuyển sang kinh doanh nhà hàng, khu sinh thái hoặc thậm chí xây dựng nhà xưởng, công trình tạm làm kho bãi; giải pháp giải quyết tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng nằm trong tuyến thoát lũ sông Hồng, sông Đuống…
Đại diện các quận, huyện phát biểu giải trình |
Giải trình, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, thời gian qua các quận, huyện đều triển khai thực hiện với nguyên tắc không để phát sinh vi phạm mới liên quan đến đất đai và xây dựng tại khu vực bãi sông và ngoài đê.
Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương cho các cá nhân, tổ chức thuê đất nông nghiệp nhưng khi hết thời hạn 5 năm cho thuê lại, việc xác định các tài sản trên đất còn khó khăn. Vì theo quy định, các tài sản này không đủ căn cứ để bồi thường khi thu hồi đất.
Từ góc độ địa phương, đại diện huyện Phúc Thọ cho biết, khó khăn lớn nhất với địa phương là nằm ở khu vực các xã giáp ranh với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc khi đất bồi ven sông sạt lở liên tục do tỉnh này vẫn cấp phép cho các đơn vị khai thác cát.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong đã làm rõ thực trạng người dân vi phạm xây dựng các nhà đơn lẻ khu vực ngoài đê, bãi sông ở huyện Phúc Thọ và một số địa phương khi chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm. Theo đó, Sở Xây dựng đã tổ chức họp với các chuyên gia, đơn vị, quận, huyện để có các văn bản hướng dẫn về nội dung liên quan cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ khu bãi sông và ngoài đê. Đến nay, các địa phương triển khai tích cực và đã cấp phép được 574 giấy phép.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu giải trình |
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, qua báo cáo về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng của các quận, huyện, Sở đã có báo cáo phân tích, làm rõ những vi phạm để phối hợp với các địa phương xử lý cho hiệu quả, với nguyên tắc không để phát sinh vi phạm mới.
Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông nêu rõ thực trạng và khó khăn từ thực tiễn trong giải quyết, xử lý những vi phạm đất đai và trật tự xây dựng tại khu vực bãi sông và ngoài đê trên địa bàn TP.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", trên cơ sở đó, UBND TP đề nghị các đơn vị liên quan căn cứ vào đó để điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/5000 và tỷ lệ 1/2.000 cho phù hợp để sớm hoàn thành trong năm 2025. Đối với các quận, huyện cần tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, trong đó có các dự án nằm trong khu vực bãi sông, ngoài đê.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại phiên giải trình |
Xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm khắc phục hạn chế
Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, từ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm đã được chỉ ra, UBND TP, các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có các giải pháp khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại phiên giải trình.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần triển khai ngay, Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát lại công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi đê, ngoài đê trên địa bàn TP, thống nhất, chuẩn xác lại số liệu báo cáo của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đề án để tăng cường công tác quản lý hiệu quả khu vực ngoài đê, bãi sông, trong đó trước mắt là sông Hồng và sông Đuống.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận phiên giải trình |
Cùng với đó, UBND TP chỉ đạo các sở, ngành khắc phục tồn tại, vướng mắc trong các khó khăn hiện nay về Quy hoạch quản lý môi trường, xây dựng, nông nghiệp, phòng chống đê điều để tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực trên, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.
UBND TP chỉ đạo các sở, ngành tập trung, khẩn trương tham mưu trình HĐND TP các nội dung triển khai thi hành Luật Thủ đô liên quan đến công tác quản lý Quy hoạch, Quản lý đất đai, thực hiện dự án, trật tự xây dựng vùng bãi sông, bãi nổi ngoài đê theo Kế hoạch của Thường trực HĐND TP.