Khó khăn tứ bề, doanh nghiệp đề xuất loạt giải pháp cứu nguy
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hỗ trợ doanh nghiệp chậm ngày nào, thiệt hại sẽ càng lớn Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn cứng nhắc, thiếu thống nhất |
Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công thương vừa có buổi làm việc trực tuyến với đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực như dệt may, thủy sản, cao su nhựa, cơ khí... bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu một số khó khăn trong việc thực hiện sản xuất theo mô hinh “3 tại chỗ” và đề xuất, kiến nghị với tổ công tác 7 vấn đề.
Theo đó, các doanh nghiệp muốn được ưu tiên tiêm phòng Covid-19 cho toàn bộ lực lượng lao động trong các đơn vị sản xuất, cho phép các hiệp hội được phối hợp cùng cơ quan Nhà nước tổ chức việc tiêm phòng tập trung cho các lao động ngay tại các khu công nghiệp.
Đồng thời, các doanh nghiệp đề xuất cho phép họ được tự thực hiện việc test nhanh Covid-19 sau khi được cơ quan y tế tập huấn, hướng dẫn lấy mẫu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp muốn lựa chọn hình thức phù hợp để thay thế mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, cơ quan Nhà nước ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn về bảo đảm sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh.
Các doanh nghiệp đề xuất cho phép họ lựa chọn hình thức phù hợp để thay thế mô hình sản xuất “3 tại chỗ” |
Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn có các chính sách phù hợp để không gây gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu (xuất khẩu thủy sản không thu mua được tôm, cá từ các tỉnh do người dân không được ra ngoài, thương lái không đi thu mua, vận chuyển khó khăn…).
Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất trong vùng dịch thông qua việc cho phép giãn nợ, không yêu cầu trả các khoản nợ vay đến hạn trong 4-6 tháng tới (không cần nộp thêm thủ tục, chứng từ chứng minh).
Các doanh nghiệp cũng đề xuất cơ quan y tế sớm ban hành quy trình hướng dẫn xử lý khi cơ sở sản xuất có ca mắc Covid-19.
Cùng với đó, doanh nghiệp muốn có chính sách hỗ trợ một phần tiền lương cho người lao động bị thất nghiệp hoặc nghỉ luân phiên do ảnh hưởng của dịch bệnh để duy trì nguồn lao động cho họ.
Trước các kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp, đại diện tổ công tác cho biết, một số nội dung đề xuất đã được Bộ Công thương nêu cụ thể trong văn bản gửi Bộ Y tế về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.
Với các đề xuất khác như hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, tổ công tác ghi nhận và sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công thương để có ý kiến với các đơn vị liên quan.
Theo đại diện tổ công tác, Bộ Công thương đã có rất nhiều công văn gửi các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất.
Mới nhất, Bộ Công thương đã có công văn kiến nghị Bộ Y tế sớm bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với thực tế khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát nhiều nơi như hiện nay.
Cụ thể là cần có hướng dẫn chi tiết, bổ sung quy định cho người lao động về nhà nhưng phải có cam kết giữa doanh nghiệp với địa phương, giữa người lao động với doanh nghiệp về các biện pháp an toàn phòng dịch, cũng như tình huống người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” muốn dừng giữa chừng, trở về nơi cư trú thì xử lý thế nào.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng đề nghị bổ sung nội dung hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với kịch bản phục hồi dịch bệnh để làm sao doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, chứ không bị động như trong giai đoạn hiện nay.
Các kịch bản này tương ứng với tỷ lệ phục hồi sản xuất từ 30-100% năng lực sản xuất của doanh nghiệp từ nay cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Đồng thời, Bộ Y tế cần có ngay quy định thời hạn, thời gian để các cơ quan y tế địa phương phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tách F0, F1 trong môi trường làm việc trong khi vẫn duy trì sản xuất; cho phép doanh nghiệp xét nghiệm cộng gộp và lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp tại đơn vị.