Khoảng 100 triệu bất động sản ở Trung Quốc không có người ở
Các tòa nhà xây dở và đường phố vắng vẻ ở Xiangluo Bay tại Thiên Tân, Trung Quốc - từng được kỳ vọng là Manhattan của Trung Quốc (Ảnh: Getty) |
Theo tờ Business Insider chỉ cần lái xe vài tiếng ra ngoài các thành phố lớn như Thượng Hải hay Bắc Kinh, sẽ thấy rất nhiều tòa nhà chung cư cao tầng, hiện đại, tình trạng tốt song về cơ bản chúng lại “trống rỗng” ở bên trong.
Đó là những “thành phố ma” tại Trung Quốc. Những "thành phố ma" không phải là chuyện mới ở Trung Quốc nhưng khi tập đoàn bất động sản Evergrande của nước này rơi vào khủng hoảng nợ nần, các thành phố không người lại trở thành đề tài được quan tâm.
Các căn hộ không người ở chiếm một phần lớn trong thị trường nhà ở khổng lồ tại Trung Quốc, gấp đôi thị trường ở Mỹ và đạt giá trị 52.000 tỷ USD năm 2019. Dữ liệu năm 2017 cho thấy 21% căn hộ, tương đương 65 triệu, không có người ở. Con số này đủ để cho người dân cả nước Pháp ở.
Những năm gần đây, vấn nạn này ngày càng trở nên trầm trọng. Theo ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Capital Economics, Trung Quốc vẫn còn dư 30 triệu bất động sản chưa bán được. Số bất động sản này có thể cho 80 triệu người sinh sống. Khoảng 100 triệu bất động sản, với khả năng phục vụ 260 triệu dân, dường như đã được bán nhưng chưa có người dọn vào sinh sống.
Hàng năm, Trung Quốc bắt đầu xây 15 triệu ngôi nhà mới, gấp 5 lần tổng số căn nhà mới ở Mỹ và Châu Âu cộng lại.
Đường phố vắng vẻ ở quận huyện Kangbashi, Nội Mông, Trung Quốc năm 2017 (Ảnh: SCMP) |
Ngoài việc Chính phủ khuyến khích phát triển và đẩy nguồn cung lên, số lượng căn hộ ở Trung Quốc lớn còn là vì tỷ lệ đô thị hóa cao. Tính tới năm ngoái, 61% dân số Trung Quốc sống trong các thành phố, tăng so với tỷ lệ 35,8% cách đây 20 năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa ở Trung Quốc lại không được tính toán chính xác nên họ ước tính quá nhiều số người có nhu cầu chuyển nhà.
Về mặt cầu, xu hướng chung là giá nhà tăng đã khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà thứ hai, ba.
Mặc dù, bất động sản và các ngành liên quan đóng một phần quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, chiếm 30% GDP của nước này. Tuy nhiên từ lâu, các nhà kinh tế đã cảnh báo ngành bất động sản là một quả bom nổ chậm cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bởi những khoản nợ khổng lồ mà các nhà đầu tư gánh trên lưng để xây dựng các dự án.
Evergrande có trên 1.300 dự án phát triển khắp 280 thành phố Trung Quốc, có thể cung cấp nơi ở cho trên 12 triệu người. Nhưng tập đoàn này nợ 300 tỷ USD, có 1,6 triệu căn hộ chưa được bàn giao và liên tục lỡ hẹn thanh toán trái phiếu.
Trong vài tháng qua, giá nhà, hoạt động xây mới và doanh số bán bất động sản tại Trung Quốc đã giảm mạnh. Trong tháng 8, doanh số bán bất động sản tính theo diện tích sàn đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng tháng này, giá nhà mới chỉ tăng khoảng 3,5% so với 12 tháng trước đó, mức tăng nhỏ nhất kể từ khi thị trường bất động sản phục hồi tháng 6/2020.
“Nhu cầu nhà ở tại Trung Quốc đang rơi vào thời kỳ suy giảm liên tục, đây là gốc rễ vấn đề của Evergrande và các tập đoàn bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính”, chuyên gia Williams của tập đoàn tư vấn Capital Economics nhận định.