Khơi dậy khát vọng sáng tạo, không ngừng vươn lên của mỗi người dân Hà Nội
Thực hiện tốt ba nhóm chính sách nền tảng
Đó là khẳng định của các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo với chủ đề: "Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo" do Ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức sáng 20/12.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu chỉ đạo hội thảo |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội trung tâm văn hóa lớn của cả nước ghi dấu mốc quan trọng vào năm 1999 khi trở thành thành phố đầu tiên của châu Á nhận Danh hiệu "Thành phố vì Hòa bình" của UNESCO.
Sau 20 năm, năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập "Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực "Thiết kế". Việc tham gia vào Mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO là hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo quốc gia, xu thế của thời đại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn phát triển nhanh và bền vững của Hà Nội trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần thúc đẩy cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định vị trí trong sân chơi mới, lấy tính sáng tạo và tinh thần hợp tác quốc tế làm chủ đạo, là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển Thủ đô bằng cách khơi dậy tình yêu Hà Nội, tinh thần cống hiến và khát vọng sáng tạo, không ngừng vươn lên của mỗi người dân Hà Nội vì mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành "Thành phố sáng tạo", Hà Nội dựa trên ba nhóm chính sách nền tảng là: Nhóm chính sách về "Tái tạo đô thị - Cơ sở hạ tầng văn hóa"; Nhóm chính sách giáo dục sáng tạo và đổi mới và nhóm chính sách "Kích thích sự tham gia của công chúng".
Do đó, để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu này, Hà Nội cần có một nền giáo dục sáng tạo và hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, công dân toàn cầu. Vì vậy, việc phát triển những môi trường sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục sáng tạo không chỉ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giúp Hà Nội xây dựng và giữ vững thương hiệu "Thành phố sáng tạo", mà còn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm cho chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô, từng bước đạt được mục tiêu "Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hoá lớn của cả nước", hướng tới vị trí là "Kinh đô sáng tạo" quan trọng của khu vực và Châu Á.
Quang cảnh hội thảo |
Sớm thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý… đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: Làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về vị trí, vai trò của giáo dục sáng tạo theo xu hướng giáo dục sáng tạo của khu vực và thế giới trong chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô; Đánh giá khái quát thực trạng về việc phát triển giáo dục sáng tạo, những tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức đối với Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Bà Trần Thị Ngọc Hân (đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) cho rằng, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung với tiềm năng to lớn về nghệ thuật, sáng tạo và văn hóa, đang trong thời điểm chín muồi để phát triển các mô hình giáo dục sáng tạo mang tính tích hợp - công cụ cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Tuy nhiên, các nội dung văn hóa và sáng tạo dù đã được đưa vào chương trình giảng dạy, song vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các nhà giáo dục và học sinh, thường bị coi là “môn phụ”; chưa có được môi trường thuận lợi để tạo ra những trải nghiệm phát huy hết tinh thần sáng tạo cho học sinh.
Có cùng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chỉ ra một số bất cập liên quan đến giáo dục sáng tạo: “Nguồn lực cho giáo dục sáng tạo, cả nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất, còn thiếu và yếu. Giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới, tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra phổ biến ảnh hưởng đến nhận thức và môi trường minh bạch cho sáng tạo. Các hoạt động giáo dục sáng tạo còn thiếu sự liên kết, tương đối nghèo nàn, đơn điệu, chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo, chủ động, tích cực của người dân. Các không gian sáng tạo chưa tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp…”.
Kết luận hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, để thực hiện hóa tầm nhìn “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á, Hà Nội xác định 3 trụ cột chính, đó là: Tái tạo, phát triển đô thị trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng; mạng lưới giáo dục sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học; Hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm và lễ hội văn hóa cũng như việc xây dựng và quảng bá thương hiệu thành phố sáng tạo.
Hội thảo bước đầu đã làm sáng tỏ một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển giáo dục sáng tạo của nước ta, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội. Nhiều ý kiến tham luận đã đưa ra đánh giá tổng quan chung về những xu hướng phát triển giáo dục sáng tạo trên thế giới, trong nước; giới thiệu những mô hình giáo dục mới, tiên tiến và gợi mở về hướng đi mới cho sự phát triển của giáo dục sáng tạo của Hà Nội trong tương lai.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh, kết quả của hội thảo hôm nay sẽ là căn cứ mang tính lý luận cũng như thực tiễn để chúng tôi tiếp tục hoàn thành việc tham mưu xây dựng Đề án về “Phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô - Tầm nhìn đến năm 2030” góp phần tham mưu có hiệu quả trong việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.