Văn hóa và giá trị người Hà Nội tỏa sáng qua mỗi thời kỳ
Khẳng định giá trị văn hóa người Hà Nội trong hệ giá trị gia đình Việt Nam |
Phẩm giá người Hà Nội
Chúng ta đang sống trong tháng 12, tháng mùa đông giá lạnh của Hà Nội, cũng là tháng Thủ đô và cả nước nghiêng mình kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.
Những ngày này, cách đây tròn nửa thế kỉ, năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh đánh phá trở lại miền Bắc, Việt Nam. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ RJ.Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự mang mật danh Linebacker II đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng…
Theo thống kê, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học...
Bom Mỹ phá hủy Hà Nội năm 1972 (Ảnh tư liệu) |
Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; Phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; Giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội… Đây sẽ mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ.
Thủ đô Hà Nội, nơi hứng chịu bom đạn của chiến tranh khiến đất rung, ngói tan, gạch nát nhưng bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt, quân và dân Hà Nội đã bám đất, bám nhà, bám từng hào giao thông để biến “Mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ”.
Với tinh thần “Quyết chiến, Quyết thắng” người Hà Nội trả lời: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không thể sập được đó là con người” đã trở thành biểu tượng của chiến thắng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.
Trong khói lửa bom đạn, “Em vẫn đạp xe ra phố/ Anh vẫn tìm âm thanh mới/ Bài hát đôi ta là khúc quân ca/ Là ước mơ xa hướng lên Ba Đình/ Tràn niềm tin”. Điều đó thể hiện khí chất, phẩm giá người Hà Nội. Như trong lịch sử, bao lần Thăng Long “vườn không nhà trống” để chúng ta không bao giờ khuất phục trước sức mạnh của quân xâm lược.
Ghi tạc vào lịch sử như một trong những trang vàng chói lọi nhất, một kỳ tích có một không hai, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh, tầm cao trí tuệ con người Việt Nam; Khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc và to lớn của Đảng, Nhà nước ta; Là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Là một kỳ tích từ sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân.
Phẩm giá người Hà Nội kiên trung bất khuất |
Đối với Thủ đô Hà Nội, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, một biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng. Truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quyết đánh, quyết thắng, đã đánh là thắng của quân và dân Thủ đô mà bao thế hệ cha anh đã dày công xây đắp sẽ mãi được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang Hà Nội khắc ghi.
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đánh dấu mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Việt Nam. Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm quý báu của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là cơ sở lý luận và thực tiễn, nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho Nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ.
Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước để Hà Nội mãi linh thiêng và hào hoa; Văn hiến và anh hùng; Là niềm tin và hy vọng; Là trái tim của cả nước và mãi mãi là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; Thành phố vì hoà bình.
Thủ đô của sáng tạo
Tiếp bước truyền thống văn hóa đáng tự hào đó, Hà Nội tiếp tục tạo dựng những giá trị của mình qua mỗi thời kỳ. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của cả thành phố, trong đó con người là chủ thể sáng tạo của văn hóa, Hà Nội rất chú trọng đến lĩnh vực văn hóa và nâng cao nguồn nhân lực.
Nằm trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XVII), Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Hà Nội của sáng tạo |
Nghị quyết đặt ra mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Suốt thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy Thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là việc ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực “Chương trình mục tiêu Thành phố về bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn”; Các dự án, công trình văn hóa trọng điểm như: Hoàng thành Thăng Long, Đền thờ Ngô quyền, Thành Cổ Loa; Các công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Hà Nội cũng thực hiện đúng lộ trình cam kết quốc tế khi Hà Nội - trở thành “Thành phố sáng tạo” của UNESCO gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử, đồng thời thúc đẩy phát triển giá trị văn hóa mới.
Đặc biệt, vừa qua, để tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành thiết kế và công nghiệp văn hoá; Kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo, Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022.
Diễn ra trong 10 ngày, lễ hội quy tụ 25 không gian sáng tạo nghệ thuật với gần 50 hoạt động tham quan, trải nghiệm, tương tác dưới hình thức triển lãm, trưng bày, sắp đặt, toạ đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật… với sự góp mặt của gần 50 nghệ sĩ tham gia triển lãm, sắp đặt, trưng bày; Gần 300 nghệ sĩ tham gia các chương trình biểu diễn; Gần 50 đơn vị, tổ chức, cộng đồng sáng tạo; Gần 30 diễn giả tham gia các tọa đàm, hội thảo chuyên sâu.
Điều đó cho thấy, nỗ lực định hướng, tổ chức của Hà Nội được đông đảo cộng đồng sáng tạo hưởng ứng, tạo nên những sản phẩm thực sự hữu ích với công nghiệp sáng tạo của Thủ đô. Thông qua đó cũng là thúc đẩy nhu cầu nội tại sáng tạo trong mỗi cá nhân, nâng cao chất lượng con người để đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa chung của toàn thành phố.
Tin rằng, cùng với những chủ trương, chính sách của thành phố, con người văn hóa, con người sáng tạo sẽ là những giá trị mới mà người Hà Nội xác lập được và tạo nên đặc trưng riêng cho mình trong thời đại 4.0 này.