Khơi dậy tiềm năng du lịch nông nghiệp sinh thái
Xác định định hướng lâu dài phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái
Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, du lịch nông nghiệp sinh thái dần trở thành “món ăn mới lạ”, bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, khám phá... Là huyện thuần nông, thuộc trung tâm văn hóa xứ Đoài trước đây, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 35km, huyện Phúc Thọ là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp.
Phúc Thọ cũng là một mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng. Nơi đây cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn của vùng đất xứ Đoài, tiêu biểu như rau muống Linh Chiểu, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, tương nếp xã Tam Hiệp…
Bưởi Phúc Thọ là một trong những thương hiệu bưởi đầu tiên của Hà Nội |
Vùng đất Phúc Thọ còn có hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú có thể kết hợp với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện còn có các làng nghề truyền thống kết hợp thăm quan du lịch đang được kết nối, tập trung phát triển đúng hướng.
Huyện được thành phố Hà Nội quy hoạch khu sinh thái ven sông Hồng, sông Đáy, có điểm du lịch văn hóa - lịch sử đền Hát Môn. Khu vực xung quanh có rất nhiều điểm du lịch văn hóa, danh thắng ở các huyện, thị xã tạo nên chuỗi các điểm du lịch phục vụ khách thăm quan.
Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc cơ bản thuận lợi là tiềm năng để kết nối trong vùng nhằm hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, được thiên nhiên ưu ái cộng thêm tính cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây, từ một vùng đất vốn được coi là vùng phân lũ, chậm lũ của thành phố Hà Nội, nhờ sự mạnh dạn, năng động trong chuyển đổi cây trồng, đến nay, Phúc Thọ đã hình thành những vùng chuyên canh chăn nuôi tập trung, năng suất nông nghiệp cao, mang lại thu nhập tốt cho người dân.
Nhiều thương hiệu nông sản của Phúc Thọ đã ghi được dấu ấn trên thị trường như các loại rau sạch, hoa ly, nấm tai mèo, táo, phật thủ, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam… Đây là điều kiện thuận lợi để Phúc Thọ phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ẩm thực cũng là một nét đặc trưng của Phúc Thọ với những món ăn đậm chất dân dã, đầy hương vị vùng quê như cà dầm tương, gà ngủ cành bưởi, nem Phùng, tôm, cá sông Đáy nướng, bánh tẻ quê, canh rau muống tiến vua, thịt nướng lõi ngô...
Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến với Phúc Thọ còn ít, khách du lịch dường như mới chỉ biết đến Phúc Thọ qua các di sản văn hóa mà chưa biết nhiều về tiềm năng du lịch sinh thái.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái ở địa phương, vai trò của chính quyền là rất quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và làm du lịch bền vững, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp thương mại - du lịch nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và thu hút khách đến Phúc Thọ nhiều hơn nữa.
Tận dung triệt để những lợi thế về du lịch sinh thái
Để có thể tận dụng những lợi thế của mình, trong chiến lược phát triển nông nghiệp địa phương, huyện Phúc Thọ đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, chú trọng du lịch trải nghiệm.
Thực hiện chủ trương của huyện, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn đã tham gia xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp phát triển khá nhanh, với nhiều sản phẩm có sức hút. Một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đã trở thành thương hiệu, một số mô hình kinh doanh du lịch kết hợp khai thác nông nghiệp đã thành công, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Lễ hội tại đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ |
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội việc với Huyện ủy Phúc Thọ về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, quý I/2023 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội yêu cầu huyện Phúc Thọ đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, bám sát Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm quy hoạch phải đi trước một bước.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Huyện uỷ Phúc Thọ |
Trong quá trình đó, khi xác định định hướng lâu dài phát triển nông nghiệp, huyện phải gắn với định hướng của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; Đó là xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển làng nghề...
“Dù phát triển đô thị hay nông thôn, tôi đề nghị các đồng chí đều phải xác định rõ theo hướng sinh thái”, đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, huyện phải tập trung thực hiện chủ trương ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục, di tích văn hóa lịch sử. Đồng thời, huyện Phúc Thọ cần học tập các mô hình, cách làm hay của địa phương khác như huyện Đông Anh trong việc bảo tồn, giữ gìn hồ ao, làng, xã...