Khởi động dự án hỗ trợ Việt Nam 3,1 triệu USD để phát triển thanh niên toàn diện
Buổi Lễ có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; các cơ quan Liên hợp quốc và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu của dự án nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ phát triển thanh niên, trong đó tập trung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc tại buổi lễ (ảnh VNN) |
Đồng thời, dự án còn hỗ trợ xây dựng cơ chế thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các chính sách và chương trình ứng phó các tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng về thiên tai và dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, các hoạt động của dự án phù hợp với định hướng ưu tiên của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; Đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng, nhu cầu về phát triển thanh niên của Việt Nam trong những năm tới.
“Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế thế giới có phần giảm sút; Do đó, nguồn lực mà Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam hỗ trợ cho Bộ Nội vụ và các đơn vị hợp phần thực hiện dự án là rất đáng trân trọng, góp phần thực hiện mục tiêu chăm lo và phát triển thanh niên, cũng như phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện”, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các đơn vị tổ chức thực hiện có hiệu quả, thiết thực, bảo đảm được mục tiêu của dự án đề ra; mong muốn thời gian tới, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục dành nguồn lực để hỗ trợ Bộ Nội vụ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ của các bộ, ngành và địa phương nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng cao, đây cũng là 1 trong 6 mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay, Việt Nam hiện có 20,4 triệu thanh niên, độ tuổi 10 – 24 tuổi, chiếm 21% tổng dân số. Cơ hội về nhân khẩu học, bắt đầu từ năm 2017 và dự kiến sẽ kéo dài đến 2041, cho thấy Việt Nam có cơ hội đặc biệt để thúc đẩy phát triển bền vững.
“Quỹ Dân số Liên hợp quốc Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đầu tư vào vị thành niên, thanh niên, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia”, bà Naomi Kitahara nói.
Nhận định mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội trong thập kỷ qua, song, theo bà Naomi Kitahara, sự bất bình đẳng và những khoảng trống trong tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, cơ hội việc làm và sự tham gia của thanh niên trong phát triển chính sách vẫn cần được thu hẹp. Trẻ em gái dân tộc thiểu số, thanh niên di cư, thanh niên khuyết tật, thanh niên có HIV/AIDS... là những nhóm dễ bị tổn thương nhất đối với các vấn đề về sức khỏe và các nguy cơ khác liên quan đến cuộc sống. Họ đang bị bỏ lại rất xa ở phía sau trong quá trình phát triển đất nước.
Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, thanh niên có nhu cầu trang bị kỹ năng sống và giáo dục giới tính và tình dục toàn diện một cách hiệu quả và có chiến lược. Theo một khảo sát quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong vị thành niên, thanh niên độ tuổi 10 - 24 cho thấy, thanh thiếu niên Việt Nam chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về các vấn đề này.
Giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho vị thành niên, thanh niên, ngay tại địa phương bao gồm tại các trung tâm đào tạo nghề, cao đẳng và đại học cần sẵn có, và thanh, thiếu niên ngoài trường học cần được quan tâm để đảm bảo thanh niên Việt Nam có đầy đủ thông tin và có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về sức khỏe và cuộc sống của họ, bao gồm cả thời điểm và đối tượng họ muốn lập gia đình cùng, cũng như cân bằng những quyết định đó với con đường sự nghiệp và học tập.
Lễ khởi động dự án |
Báo cáo về thanh niên Việt Nam được Bộ Nội vụ công bố năm 2019 chỉ ra rằng trao quyền cho thanh niên và sự tham gia của thanh niên trong quá trình ra quyết định còn hạn chế. Chỉ 23,2% thanh niên cho rằng những khuyến nghị của họ được xem xét đầy đủ, và chỉ một nửa trong số họ tin tưởng vào sự tham gia của họ trong hoạch định chính sách.
Thanh niên nói chung, đặc biệt thanh niên khuyết tật, phải đối mặt với những rào cản làm tăng khả năng gặp phải những rủi ro trong thiên tai và dịch bệnh. Người khuyết tật thường bị ảnh hưởng một cách không đồng đều và thường xuyên phải đối mặt với những hạn chế trong đời sống hằng ngày đối với việc tiếp cận các hỗ trợ và bảo vệ, đặc biệt trong thời điểm thiên tai và dịch bệnh.
Dự án mới của Quỹ Dân số Liên hợp quốc hỗ trợ Bộ Nội vụ nhằm xóa bỏ những khoảng trống và tái khẳng định sự cam kết của UNFPA đối với Bộ Nội vụ và các cơ quan thực hiện dự án trong việc đảm bảo quyền của thanh niên về phát triển, đặc biệt là tiếp cận tới giáo dục kỹ năng sống và giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, được thực thi. Thông qua dự án này, Quỹ Dân số Liên hợp quốc, phối hợp với Bộ Nội vụ, và các đối tác quan trọng khác, hướng đến trao quyền và hỗ trợ thanh niên, đặc biệt thanh niên dễ bị tổn thương tham gia có ý nghĩa trong xây dựng và thực thi chính sách, từ đó đóng góp vào các nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030.
Dự án VNM10P01 có tổng kinh phí 3,1 triệu USD, được triển khai trong 5 năm (2022 – 2026). Dự án tập trung vào thực hiện Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và các chính sách, chương trình liên quan đến thanh niên; tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên, các chính sách, chương trình phát triển thanh niên, bao gồm cả trong tình trạng ứng phó với thiên tai và dịch bệnh. Đồng thời, phát triển cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của thanh niên, đặc biệt là thanh niên dễ bị tổn thương, trong việc xây dựng và giám sát việc thực hiện luật, chương trình và các chính sách liên quan đến thanh niên; phát triển kỹ năng sống, giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho vị thành niên và thanh niên trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thanh niên ngoài trường học.